Yêu Lâm vì tính chỉn chu thì Hương lại phải đi ngoại tình vì ngán tính ấy của chồng. Bởi ngay cả “chuyện ấy” Lâm cũng “lập trình” sẵn vào 2 tối trong tuần, làm theo không sai một li.
Nhân vô thập toàn. Câu này muôn đời vẫn đúng. Mỗi con người đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng trong tình yêu, họ thường phóng đại ưu điểm và thu nhỏ khuyết điểm của nhau, thậm chí biến luôn cả nhược điểm thành ưu điểm.
Khi mới yêu nhau, Hương thấy cái gì ở Lâm cũng đẹp. Lần đầu tiên đến nhà người yêu, Hương có dịp quan sát người yêu rõ hơn. Mỗi cử chỉ của anh đều toát lên vẻ tự tin, đàng hoàng.
Khi pha nước mời Hương, anh tráng nước sôi từng cái chén sạch boong rồi mới khoan thai rót nước trà vào hai chén một cách rất có chừng mực, ngấn nước ở chén nào cũng bằng nhau chằn chặn, cách miệng chén độ nửa centimet.
Có mấy giọt nước rớt ra bàn, Lâm cẩn thận lấy khăn thấm từng giọt rồi lau một cách thong thả. Hương cảm thấy con người này làm cái gì cũng chu đáo, khác hẳn mấy cậu bạn của Hương cứ láu ta láu táu, chả làm cái gì được cho tử tế.
Một lần đi xem phim với Lâm, Hương lại càng cảm thấy anh thật tuyệt vời. Anh mua vé sớm nên chọn được chỗ đẹp, lúc đi xem bấm giờ chính xác đến từng phút, vừa gửi xe đi vào đến chỗ ngồi thì rạp tắt đèn, phim bắt đầu chiếu.
Nhưng sau ngày Hương và Lâm cưới nhau được vài tháng thì cô nhận ra mình đang sống chung với một con người quá… hoàn hảo như rô-bốt được lập trình. Không bao giờ Lâm làm thừa cái gì, mọi hoạt động của anh đều được “lập trình” sẵn.
Đi làm về đến nhà, ngồi nghỉ 10 phút thì đồng hồ điểm chuông 6 giờ chiều. Ăn cơm xong thì bật tivi xem thời sự, hết đúng nửa tiếng thời sự tắt tivi, mở cặp tài liệu ra xem, làm vài việc xong đến 9h tối lại bật tivi lên xem phim.
Hết phim, ra ban-công làm vài động tác hít thở, lên giường mở đĩa nhạc nghe 2 bài, nếu có sách thì đọc 5 trang sách rồi tắt đèn đi ngủ.
Đến cả “chuyện ấy” tuần 2 lần cũng được Lâm “lập trình” sẵn vào tối thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, tuần nào cũng như tuần nào không sai một li một lai.
Chịu đựng chồng được 2 năm thì Hương bắt đầu ngoại tình với một anh đồng nghiệp. Lan bắt đầu để ý đến anh từ hôm công ty đi liên hoan.
Khi mọi người lần lượt uống rượu, đến lượt anh ta thì hết mất chén, anh chàng rót luôn nước vào cái nắp chai bé xíu rồi đưa lên miệng nhấp từng ngụm ngon lành trông vừa buồn cười vừa đáng yêu đến kỳ lạ.
“Sao trên đời lại có người đàn ông phóng khoáng và thoải mái đến thế”, Hương nghĩ.
Người đời thường có thói quen mơ ước những gì mà mình không có. Bởi cái đã có trong tay thì còn ai mơ ước làm gì.
Cho nên những phụ nữ mãn nguyện với hạnh phúc của mình không phải là người lấy được người chồng lý tưởng mà là họ biết chấp nhận người đàn ông họ có với tất cả mặt tốt và xấu.
Việc nhận thức chân lý đơn giản này giúp kéo dài tuổi thọ hôn nhân. Vì thế đừng đem so sánh chồng/vợ của anh/cô bạn thân thật tuyệt vời chứ không như vợ/chồng mìn. Vì như thế, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ mình có đều là thứ phẩm, còn của người khác thì tốt hơn.
Nếu lấy được một cô vợ đẹp, liệu người đàn ông đó có hạnh phúc suốt đời? Nay sếp đề nghị người đẹp đi tiếp khách ở nhà hàng này, mai sếp lại “thiết kế” người đẹp đi công tác xa, có khi ra cả nước ngoài thì làm sao những ông chồng có vợ đẹp kiểm soát được?
Thế là tâm trạng bất an, vợ tiệc tùng về nhà thì đá thúng đụng nia, mặt mũi hầm hầm và ghen tuông vô cớ biến cuộc sống gia đình thành địa ngục. Rồi đến một ngày, cô vợ đẹp người, năng động, giỏi giang kia không chấp nhận được nữa đành xin ly hôn.
Điều đó giải thích vì sao ngày nay trong số những vụ ly hôn có cả những trai thanh, gái lịch và người ngoài nhìn vào ai cũng phải ước ao và thắc mắc không hiểu vì sao hoàn hảo thế mà lại chia tay?
Nếu như phụ nữ luôn cần bạn bè để “buôn chuyện” và rủ nhau đi mua sắm thì đàn ông cũng cần những người bạn để thỉnh thoảng ngồi uống với nhau cốc bia sau ngày mệt mỏi và bàn tán những chuyện rất đàn ông.
Nếu chồng bạn là một người chưa hoàn hảo thì cũng đừng nên “sửa chữa” chồng cho hoàn hảo. Bởi thực tế cho thấy những người vợ muốn cải tạo chồng theo ý mình đều thất bại.
Biết chấp nhận và không đòi hỏi khắt khe, đó là bí quyết của hạnh phúc. Và tất nhiên, sự chấp nhận cũng có giới hạn. Chia sẻ và cảm thông được với vợ/chồng những điều nhỏ nhặt thì sẽ không ai bắt buộc ai phải trở thành người hoàn hảo.
Bởi một lẽ đơn giản, chính mình cũng đâu có hoàn hảo.