Yêu - không yêu? Tại sao bạn lại rung rinh trước người này mà không phải người kia? Khao khát bên nhau nhưng lại thấy kém nồng nàn khi đã là của nhau?... Bạn không thể trả lời bởi đó là tình yêu. Nhưng đối với các nhà khoa học, câu trả lời lại rõ ràng và thật đơn giản...
Điều gì làm nên sức mạnh tình yêu?
Câu hỏi này đã thôi thúc các nhà khoa học của Đại học Rutgers (Mỹ) đã tiến hành một cuộc thử nghiệm nhỏ. Họ đưa cho một số người đang yêu say đắm xem hai bức ảnh. Một bức của người xa lạ, bức còn lại là người yêu của họ.
Khi trông thấy ảnh người yêu, bộ não của những người tham gia thử nghiệm lập tức có phản ứng khác lạ. Các đuôi thần kinh xung động, một phần não bộ tiết ra chất Dopamine.
Chất hóa học này tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào, sự phấn khích và khả năng tập trung cao độ. Chính nhờ đó mà những người mới yêu trở nên mạnh mẽ và can đảm lạ thường. Họ có thể thức suốt đêm (mà tỉnh như sáo!) để chờ ngắm cảnh mặt trời mọc, đạp xe vượt hàng chục cây số (mà không thấy mệt!) để tặng ai một cành hoa...
Cảm xúc yêu được khơi gợi từ đâu?
Giáo sư người Mỹ Helen Fisher kể lại rằng năm 15 tuổi, cô bị tiếng sét ái tình với một anh chàng học trên cô hai lớp. Anh ta chẳng có gì đặc biệt: tóc nâu bù xù, giọng nói khàn khàn và ánh mắt lơ đễnh.
Một lần ngắm bố mình, Helen ngạc nhiên khi nhận ra bố cô cũng có mái tóc nâu bù xù, giọng nói khàn khàn và ánh mắt nhìn lơ đễnh.
Vì sao như thế? Chuyên gia tâm thần học Thomas Lewis (Mỹ) cho rằng tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ ấu thơ. Chính ở lứa tuổi này, chúng ta đã cảm nhận được các mối dây yêu thương. Cảm giác ấy ngủ yên trong vô thức, nhưng chúng ta có thể sống lại khi ta trưởng thành.
Vì thế, có những người bị tiếng sét ái tình với một người mà họ có cảm giác quen quen. Có thể chỉ vì giọng nói hay mùi hương.
Chất nào tác động lên tình yêu?
Khi nghiên cứu về cảm giác lãng mạn và những xúc cảm mãnh liệt trong tình yêu, các nhà khoa học đã thu được kết quả: Những cảm giác ấy ngày càng suy giảm.
Lauren Slater và chồng từng có những giây phút hết sức lãng mạn thời yêu nhau. Trong đời sống vợ chồng, Lauren vẫn cố gắng duy trì những cảm xúc lãng mạn ấy, nhưng không thể. Cô đâm ra thất vọng và lo lắng.
Nghiên cứu cơ chế phản ứng hóa sinh, các nhà khoa học đã lý giải: Não bộ của chúng ta không thể duy trì các hạt nhân thần kinh trong tình trạng lâu dài. Não bộ sẽ phản ứng lại với sự trỗi dậy và xung động của chất Dopamine. Đó là một hoạt động có tính quy luật để duy trì sự ổn định.
Do vậy, sau hôn nhân một thời gian, bạn mất dần cảm giác rạo rực của buổi đầu vào yêu là điều có thể hiểu được.
Cặp vợ chồng Marion Grillot và Emily ở Ohio rất nổi tiếng vì họ đã sống hạnh phúc với nhau 58 năm, có 20 người con và 77 đứa cháu. Qua tìm hiểu những cặp vợ chồng ăn đời ở kiếp như thế, các nhà nghiên cứu thấy rằng bộ não của họ dồi dào chất Oxytocin. Đó là loại hormone có tác dụng xoa dịu, tạo nên cảm giác gắn kết, yêu thương.
Hóa chất này nảy sinh khi chúng ta âu yếm nhau. Đặc biệt, khi vợ chồng "gần nhau", lượng chất này tăng lên cao nhất. Ở những cặp vợ chồng không có đời sống chăn gối hòa hợp, tỷ lệ Oxytocin của họ cực thấp.
Vì thế, các nhà khoa học khuyên những cặp vợ chồng: Hãy gia tăng những cử chỉ âu yếm và "gần gũi" nhau nhiều hơn.
Oxytocin còn giúp con người dễ hòa hợp và trở nên năng động hơn trong các mối quan hệ xã hội. Có nghiên cứu cho rằng chứng tự kỷ có thể do sự thiếu hụt Oxytocin. Các nhà khoa học đã thử chữa trị những người tự kỷ bằng Oxytocin và thu được kết quả khả quan ở một số trường hợp.
Có thể gia tăng cảm giác yêu thương?
Đời sống vợ chồng không còn mặn nồng không có nghĩa là tình yêu đã hết. Bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình hình.
Cách tốt nhất để làm sống lại "lửa tình" là mỗi người tự làm mới mình, tạo những bất ngờ. Ngoài ra, cả hai hãy cùng khám phá những kinh nghiệm chưa từng thử qua. Điều ấy tác động vào cơ chế hoạt động của não bộ đối tượng, làm chất Dopamine trỗi dậy.
Thay đổi nhỏ trong trang phục, chút sáng tạo khi "gần nhau" hay một chuyến du lịch đến miền đất lạ sẽ tác động đến các neuron thần kinh. Sự mới mẻ sẽ đánh thức những xúc cảm tưởng đã ngủ yên.
Theo Thế giới Văn hóa