Ai cũng biết muốn có hôn nhân hạnh phúc trước hết phải có tình yêu. Từ đó người ta dễ tin rằng có tình yêu sẽ có hôn nhân hạnh phúc và càng yêu say đắm thì càng hạnh phúc nhiều. Nhưng mới đây, trong cuốn "Love is no guarantee", nhà tâm lý người Mỹ Harley khẳng định tình yêu không đảm bảo điều gì, trái lại còn là mạo hiểm nếu chúng ta kết hôn chỉ vì tình yêu.
Những con số lạnh lùng
Trong khoảng 3 thập kỷ gần đây, số vụ ly hôn tăng vọt trên phạm vi toàn cầu. Chỉ tính riêng ở Mỹ, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu hôn nhân và gia đình nước này, 1/5 những cuộc hôn nhân lần đầu tan vỡ trong vòng 5 năm. 1/3 chấm sứt sau 5 năm. Có những người lại hăm hở sang sông lần thứ hai, nhưng lần này tỷ lệ chìm đò còn cao hơn lần thứ nhất 1,5 lần. Tại Việt Nam, theo số liệu của Toà án tối cao, năm 1991 cả nước có 22.000 vụ ly hôn thì năm 1998 đã tăng gấp đôi và đến năm 2002 là trên 56.000 vụ. Thực trạng đó làm lớp trẻ mất lòng tin vào hôn nhân. Họ tưởng rằng chung sống không hôn thú sẽ là giải pháp cho hôn nhân hiện đại. Nhưng kết quả của những đôi này cũng không khả quan hơn là bao. Năm 2004, số cặp chung sống không kết hôn ở Mỹ tăng 85% so với 10 năm trước đó. Nhưng tỷ lệ chia tay của những cuộc sống thử này lên đến 86%. Điều đáng lưu ý là đa số những cuộc hôn nhân nói trên đều xuất phát từ tình yêu, hoàn toàn do tự nguyện, không có ai sắp đạt hay gò ép họ.
Nguyên nhân của thất bại
Người ta hoang mang hỏi nhau: "Làm thế nào giảm bớt nhịp độ thất bại trong những mối quan hệ hôn nhân?". Và câu hỏi quan trọng hơn: Cái gì là nguyên nhân của những thất bại đó? Tại sao hai kẻ thực lòng yêu nhau muốn ăn đời ở kiếp với nhau lại khó đến vậy?
Trả lời những câu hỏi này, nhà nhân chủng học Helen Fisher đã tìm ra bằng chứng về sự liên kết hoá học và sinh học của mối quan hệ yêu đương giữa nam và nữ. Bà phát hiện trong não bộ của những kẻ đang say đắm sản sinh ra một thứ "hoá chất yêu" khiến cho các đôi trai gái say nhau mê mẩn cũng như con đực và con cái ở các loài động vật. Theo bà, thiên nhiên đã tạo ra sự gắn kết đó và duy trì nó đủ cho đến khi sự thụ thai được hoàn thành. Còn quá trình chung sống với nhau sau này có xuôi chèo mát mái hay không, tạo hoá không cài đặt sẵn mà chúng ta phải nỗ lực tạo dựng. Những thí nghiệm lâm sàng cho thấy, sau một thời gian chung sống, "hoá chất yêu" làm giảm rất nhanh cùng với sự nhạt phai của tình cảm nồng nàn, sức kết dính giữa hai người suy giảm rõ rệt. Fisher cho rằng sự giảm thiểu của hoá chất này chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chia ly của những mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, bà không phải nhà tâm lý nên không đề cập tới những nguyên nhân tâm lý trong đời sống vợ chồng.
Thừa cảm xúc yêu đương - thiếu kiến thức hôn nhân
Đa số người trẻ tuổi bước vào hôn nhân lần đầu thường kỳ vọng rằng người kia là một đối tác hoàn hảo, vì họ nhìn người yêu bằng con mắt si mê. Phần lớn những người được phỏng vấn nói họ không bao giờ nghĩ đến tương lai sau kết hôn sẽ ra sao, nên bị bất ngờ như đang bay lơ lửng trên chín tầng mây bỗng nhiên bị rơi bịch xuống mặt đất. Người ta tưởng rằng chẳng cần phải học cũng biết cách sinh con và làm vợ, làm chồng cũng thế. Với hầu hết mọi người, cuộc hôn nhân của cha mẹ là nguồn thông tin duy nhất và trực tiếp và kinh nghiệm chung sống. Họ quên rằng thời đại đã thay đổi. Điều mà cha mẹ chúng ta chấp nhận thì có thể hôm nay chúng ta lại không thể chấp nhận được. Và những thất bại trong hôn nhân ngày nay khiến người ta rút ra bài học: Đừng bao giờ áp dụng mô hình của hôn nhân ngày xưa cho quan hệ hôn nhân hiện đại.
Kết hôn không chỉ vì yêu
Từ trước đến nay, nhiều người cho rằng muốn có một ngôi nhà hạnh phúc phải xây dựng trên nền móng tình yêu. Marx khẳng định: "hôn nhân không có tình yêu là vô đạo đức". Nhưng tình yêu không phải là bất biến, sức cuốn hút mãnh liệt đến đâu cũng có ngày suy giảm, chẳng ai "mê như điếu đổ" một ai suốt cả cuộc đời. Đó là chưa kể yêu người ta vì lý do này nhưng sau khi kết hôn lại muốn người ta sống hoàn toàn khác. Một anh chàng yêu cô gái cùng cơ quan, anh ta đánh giá cao năng lực người yêu trong công việc vì cô phối hợp với anh ta rất nhịp nhàng. Nhưng lấy nhau được hai năm, khi đứa con đầu lòng ra đời, anh ta lại cố gắng thuyết phục vợ nghỉ việc ở nhà nội trợ với lý do mấy trăm bạc lương chỉ bằng tiền thuê người giúp việc. Bây giờ, anh ta mới thất vọng vì vợ làm nội trợ quá vụng về. Một điều cũng đáng lưu ý nữa là tình yêu thường nảy sinh trên cơ sở hai người hợp nhau về nhiều mặt. Nhưng khi chung sống, sự giống nhau lại thường gây ra buồn tẻ. Một đôi vợ chồng nọ xung đột gay gắt chỉ vì người chồng thuộc loại "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" khiến vợ rất coi thường. Một hôm, trong lúc cãi nhau, bỗng chị ta gào lên: "Hai con đàn bà ở với nhau không thể nào sống được".
Nếu chỉ để yêu, không cần phải kết hôn
Theo Harley, hôn nhân không phải là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu, bởi vì đó không phải là mục đích của nó. hôn nhân là nơi để người ta thực hiện các nghĩa vụ của con người. Đời sống gia đình là lao động vất vả chứ không lãng mạn như tình yêu. Nói tóm lại là không nên kết hôn khi đang yêu say đắm, bởi khi đó người ta đang bị tình yêu gây mê, mất khả năng nhìn rõ sự thật về người yêu.
Hãy để cho tình yêu lắng xuống một chút, con người tỉnh ra thì sáng suốt hơn. Bởi vì thực ra tình yêu không bảo đảm hôn nhân hạnh phúc.
(Theo Đẹp)