Nếu hôn nhân chỉ là sự kéo dài tình yêu thì có lẽ những người yêu nhau không nên kết hôn. Bởi vì người ta chẳng cần kết hôn vẫn có thể yêu nhau được. Vậy người ta kết hôn để làm gì? Bên cạnh cái tình, cuộc sống lứa đôi còn cần cái nghĩa.
Trong một phiên toà xử ly hôn, vị chánh án hỏi một người vợ trẻ: “Chị cho biết lý do xin ly hôn?”. Đương sự ngước đôi mắt buồn bã: “Thưa quý toà, vì tình yêu đã hết!”. Lẽ nào một cặp vợ chồng có thể không ngại ngần dứt bỏ “tình nghĩa phu thê” chỉ vì lý do đơn giản như thế? Bình luận về câu trả lời trước toà của người phụ nữ này, có người cho rằng: “Đúng! vợ chồng sống với nhau là để mưu cầu hạnh phúc lứa đôi nhưng hạnh phúc phải được xây dựng trên cơ sở tình yêu. Khi tình yêu đã không còn nữa thì khác nào ngôi nhà không có nền móng. Nó sụp đổ là điều không có gì lạ”.
Thực ra, không có gì nhầm lẫn bằng điều đó. Khoa học chỉ ra rằng, tình yêu say mê, lãng mạn không bao giờ tồn tại vĩnh hằng. Nó là một trạng thái tâm sinh lý bị kích thích cao độ mà chính hệ thần kinh của con người cũng không chịu nổi nếu trạng thái ấy kéo dài. Đó là chưa kể hoá chất PéA – tên gọi tắt của một thứ hoá chất có trong hooc-môn của những kẻ đang yêu say đắm – sẽ không được cơ thể tiết ra nữa khi hai kẻ tình nhân mê muội đã mãn nguyện vì được cùng sống với nhau dưới một mái nhà và cơ thể lại dần dần trở về trạng thái thăng bằng như nó vốn có. Điều này đã được các nhà khoa học người Pháp phát hiện trong phòng thí nghiệm hoá học của đại học Sorbonne cách đây không lâu và đã được khẳng định qua nhiều thử nghiệm. Cho nên nếu hiểu hạnh phúc gia đình phải luôn được xây dựng trên cơ sở tình yêu mãi mãi đắm say thì trên đời này sẽ chẳng có ai là người được hưởng thứ hạnh phúc siêu đẳng như thế cả.
Chúng ta không có cách nào khác hơn là hãy xua tan ảo tưởng ấy đi và nhìn thẳng vào một sự thật là trong hôn nhân tình yêu say đắm không thể tồn tại mãi. Một thứ tình yêu khác sẽ xuất hiện. Nó làm cho hai con người có cảm giác ổn định như họ sinh ra là để cho nhau, không thể sống thiếu nhau, cảm thấy luôn cần nhau và lo lắng, quan tâm đến nhau. Điều đó giải thích vì sao có những đôi vợi chồng đã đầu bạc răng long, trái tim cơ hồ không còn lây một tia lửa mà khi một người qua đời, người kia đau buồn đến không thiết sống nữa. Đó chính là cái tình nghĩa của vợ chồng. Trong cái tình này có cái nghĩa, như hai yếu tố hoà quyện, đan cài, thẩm thấu vào nhau không thể tách rời. Tuy nhiên có lúc, có nơi, yếu tố này hoặc yếu tố kia có thể mạnh hơn. Ông bà ta trải qua bao nhiêu kinh nghiệm ở đời đã rút ra một chân lý không bao giờ xưa cũ là, khi “tình càng sâu thì nghĩa càng nặng”.
Nhưng không phải cái nghĩa của con người chỉ có dịp bộc lộ khi người mà ta yêu gặp ốm đau hoạn nạn. Trong cuộc sống thường nhật, bên cạnh chữ “tình” bao giờ cũng cần chữ “nghĩa”. tình yêu có thể phai nhạt, có thể chao đảo trước bao nhiêu cám dỗ của cuộc đời nhưng cái nghĩa chính là yếu tố gắn bó hai con người trước mọi thử thách của thời gian. Thậm chí, có khi tình yêu đã vơi cạn nhưng cái nghĩa vẫn tràn đầy, vẫn gắn bó hai con người có trách nhiệm với nhau. Sự hy sinh ấy nhiều khi đem lại cảm giác là mình cao thượng và chính cảm giác ấy làm cho ta hạnh phúc.