Hạnh phúc không phải là tìm và lấy được một người hoàn hảo, mà hạnh phúc chính là biết chấp nhận bạn đời với tất cả những tính tốt chưa chưa tốt ở con người họ.
Chẳng khi nào có một mẫu số chung cho hạnh phúc. Mỗi người lại có cá tính, ước mong và khát vọng riêng nên quan niệm hạnh phúc đối với mỗi người cũng vì thế mà rất phong phú. Địa vị cao, giàu có đối với một số người đó là đích đến, nhưng cũng có những người chỉ cần cuộc sống thanh thản, giản dị và yên ổn, tránh mọi bon chen đã thấy được cánh cửa hạnh phúc mở ra với mình.
Thật khó để phân định rõ thế nào là hạnh phúc thực sự, chỉ có chính những người đang sống, đang phấn đấu và ghi nhận tất cả, từ khó khăn, thất bại đến niềm vui, sự thành công hay chỉ là những rung động trong tâm hồn mới biết mình có thực sự đang sống hữu ích, có chạm tay được đến hạnh phúc hay chưa.
Biết mình biết người
Có câu chuyện kể rằng một chú bé nọ luôn nhìn về phía bên kia cánh đồng và thấy một ngôi nhà màu vàng. Một ngày chú quyết định đi đến đó, vì chú nghĩ ai được sống trong ngôi nhà ấy hẳn sẽ rất vui vẻ và hạnh phúc. Khi đến nơi, chú cũng chỉ thấy một ngôi nhà gỗ như nhà mình. Hỏi thăm cô bé sống trong căn nhà đó là ngôi nhà bằng vàng ở đâu, cô bé chỉ tay về hướng ngược lại.
Cậu bé nhận ra dưới ánh mặt trời, ngôi nhà của cậu ở bên kia cánh đồng cũng là một ngôi nhà màu vàng. Rất nhiều người không khi nào thoả mãn với những gì mình đang có. Họ luôn cố gắng kiếm tìm những thứ giống của người khác với ước mong sẽ thấy hạnh phúc như người đó. Chỉ có điều, dường như những người hạnh phúc trong lại có cuộc sống rất đơn giản.
Học chung đại học, ra trường và đi làm với mong muốn sau này có thể cùng đi với nhau đến trọn đường đời. Đăng Khoa và Hải Vân luôn động viên nhau cố gắng. Mỗi ngày Khoa vẫn đưa đón Vân đi làm dù cái xe máy cũ của Khoa liên tục trở chứng. Bạn bè ngạc nhiên khi Vân luôn vui vẻ, hạnh phúc bên người yêu, dù vệ tinh vây quanh cô không ít. Trong đó phải kể đến anh chàng "có gốc gác" mạnh tay tài trợ cho Vân sang Pháp du lịch cùng mà cô vẫn coi không bằng chuyến đi Đà Lạt với người yêu.
Vân bảo, so về mọi thứ thì Khoa không bằng anh chàng công tử ấy, nhưng chắc chắn sự chân thành thì không ai bằng được.
Với Khoa, cô được yêu thương và trân trọng đúng với những gì cô có. Cô tự biết những giá trị vật chất luôn cần sự đánh đổi. Chắc chắn chỉ có Khoa mới hiểu và chấp nhận tính nóng giận bất thường của cô, anh cũng cho qua việc thực ra cô không khéo bếp núc, không muốn trở thành con mèo ngoan trong nhà. Cô thích được làm việc, được chứng tỏ mình, và quả thực chẳng phải ai cũng cảm thông cho một người vợ quá ham mê công việc.
Vân biết mình và Khoa có khả năng tạo dựng một cuộc sống tốt cho cả hai, vì thế mà cô luôn cảm thấy tự tin và thoải mái. Không thể tránh khỏi những phút giây choáng ngợp về sự hấp dẫn của vật chất, nhưng để tốn thời gian cho việc đắn đo, cân nhắc, lo lắng hoặc phải biến mình thành người khác để hợp với những chàng công tử kia thì Vân không hào hứng. Vân biết có nhiều người ghen tỵ với hạnh phúc của cô, vì thế, cô trân trọng nó mỗi phút giây. Theo cô, những gì thực sự phù hợp với mình mới khiến mình thấy hạnh phúc.
Chấp nhận cũng là hạnh phúc
tình yêu, hôn nhân là những mối ràng buộc thiêng liêng. Không đơn thuần là tình cảm, mà còn là cái nghĩa, là trách nhiệm và lòng tin dành cho nhau. Chính vì thế, không ai mong muốn hôn nhân rạn nứt và cũng chẳng ai thích sống chung khi tình cảm đã thực sự nguội lạnh.
Chị Khanh và anh Vĩ kết hôn được mười năm, có một cô con gái 7 tuổi. Những tháng năm hạnh phúc cũng trôi qua, sự thấu hiểu, cảm thông và lắng nghe ngày một ít dần. Có những khoảng thời gian cả mấy tháng trời anh chị chỉ nói với nhau những điều hết sức quan trọng, còn lại mỗi người giam mình trong sự giận hờn, khó chịu và mệt mỏi.
Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề, chị Khanh vẫn chu toàn trách nhiệm, nhưng tình cảm dành cho chồng đã bỏ đi đâu hết. Anh Vĩ không muốn về nhà, anh không chịu nổi không khí lạnh lẽo trong nhà và cả sự lạnh nhạt của vợ. Dùng dằng mãi, anh chị cũng ly hôn. Nhiều người khuyên chị nên nghĩ lại, chị cũng sợ ly dị rồi con sẽ chịu thiệt thòi. Nhưng dù đã cố gắng, nhưng cả hai anh chị vẫn không thể hàn gắn lại những mâu thuẫn quá lớn.
Cuộc chia ly không làm chị đau khổ như chị vẫn tưởng. Khi cả hai anh chị cùng công nhận rằng tình cảm dành cho nhau không còn, nhưng ai cũng phải có trách nhiệm với con cái thì mọi chuyện dường như nhẹ nhàng hơn. Chị sống cùng cô con gái, hàng ngày vẫn đi làm, tâm lý thoải mái, không còn nặng nề vì những mâu thuẫn vợ chồng.
Anh Vĩ vẫn ghé thăm con và nếu có thời gian anh vẫn cố gắng cho con đi học. Anh chị vẫn cố gắng để cháu không quá hụt hẫng và thiếu thốn sự chăm sóc, tình yêu của cha mẹ. Chị Khánh công nhận rằng có thể anh không phải là người chồng như chị muốn, nhưng anh là người cha có trách nhiệm. Cuộc sống của chị bây giờ thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều với khoảng thời gian chị cố gắng níu kéo đời sống hôn nhân.
Chia sẻ và thấu hiểu
Để có tình yêu thực sự lâu bền thì mỗi người chúng ta cần phải học cách yêu thương. Ai cũng có một ngôn ngữ tình yêu của riêng mình, điều quan trọng không phải chúng ta yêu hết mình, mà chúng ta cần trao gửi đúng những gì mà đối phương muốn nhận. Điều đó càng đúng hơn trong đời sống hôn nhân, nơi rất cần sự thấu hiểu, cảm thông và tình yêu lớn.
Kết hôn được 5 năm, dạo gần đây vợ chồng Vũ và Hạnh có nhiều cuộc "khẩu chiến" bất phân thắng bại. Tình trạng căng thẳng đến mức hai vợ chồng phải đến gặp một người bạn là chuyên gia tư vấn tâm lý để xin giúp đỡ. Hạnh than phiền rằng dạo gầy đây chồng cô quá ham mê công việc, ít dành thời gian cho gia đình. Anh không để ý rằng cô cũng rất mệt mỏi vì phải quán xuyến gia đình, một lời khen hay câu nói ngọt dành cho vợ cũng không có.
Về phần Vũ, anh tâm sự rằng anh đang cố gắng để giúp cho gia đình có cuộc sống sung túc, nhưng vợ anh chẳng những không động viên mà cô suốt ngày cằn nhằn anh không giúp cô việc nhà, không dành thời gian cho vợ con.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý, Hạnh tôn trọng sự vất vả của chồng khi lo cho kinh tế gia đình, chính vì thế cô luôn cố gắng vun vén cho nhà cửa tươm tất. Nhưng điều quan trọng với Hạnh không chỉ có vật chất. Cô cần sự quan tâm từ người đầu ấp tay gối, muốn có thời gian cùng anh đi chơi, thậm chỉ chỉ cần anh ở nhà cùng mẹ con cô. Vũ chưa đung đúng ngôn ngữ tình yêu với Hạnh, chính vì thế cô cảm thấy buồn chán và khó chịu dù đời sống vật chất đầy đủ.
Còn ngôn ngữ tình yêu của Vũ là gì? Anh đã làm việc rất chăm chỉ, để chu toàn cuộc sống thật tốt cho vợ con, điều anh cần là sự động viên của vợ, sự công nhận công sức của anh. Hạnh vì luôn khó chịu trước tính ham công việc của chồng mà quên đi rằng những lời nói khích lệ chồng cũng quan trọng không kém. Nhờ lời khuyên của người bạn, cả Hạnh và Vũ đề có ý thức hơn trong việc chú ý đến người bạn đời. Vũ vẫn mê công việc, nhưng anh đã cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý hơn để thực sự có thể hưởng thành quả lao động của mình cùng người thân.
Hạnh cũng thông cảm với chồng, cô quan tâm đến công việc của anh và dành những lời cảm ơn đến Vũ để anh biết rằng cô luôn ghi nhận mọi sự cố gắng của anh. Hiểu được những gì người bạn đời cần và sẵn sàng trao tặng nó bằng trái tim chân thành sẽ khiến cho không chỉ một người hạnh phúc. Hạnh phúc có sức lan toả rất mạnh mẽ, làm cho người mình yêu thương hạnh phúc chính là cách khiến mỗi chúng ta hạnh phúc nhất.
Chiếc chìa khoá mở cánh cửa bí mật dẫn đến cuộc sống hạnh phúc luôn được đúc riêng cho mỗi người. Mỗi cá nhân có cách thức và con đường kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình, tuy nhiên nó phụ thuộc vào nỗ lực, lòng tin vào cuộc sống và tình yêu của mỗi người.
Không ai có thể dạy ai cách cảm nhận niềm hạnh phúc, nhưng nếu mỗi chúng ta biết trân trọng những điều dù nhỏ bé trong cuộc sống mà chúng ta đang có thì hạnh phúc quả không phải là ngôi sao quá xa tầm tay với. Rất khó để quy đổi hạnh phúc thành một thứ gì đó hữu hình. Những đồ vật giá trị, tiền bạc hay địa vị, tự bản thân chúng không mang đến hạnh phúc.