Là một cô người yêu nhõng nhẽo, yếu đuối
Cô gái ấy luôn cho rằng mình quan trọng nhất với anh, còn lại chỉ là thứ yếu. Mọi lúc, mọi nơi, mọi việc cô đều nhất nhất hỏi ý kiến anh, lúc nào cô cũng muốn được anh quan tâm, chăm sóc. Anh đi công tác xa, nhận được điện thoại báo cô ốm nặng. Tất tả chạy về, hóa ra chỉ là một cơn cảm nhẹ nhưng cô "nằm vạ” không ăn uống vì chẳng có anh bên cạnh. Thành vợ rồi, cô than thở khóc lóc mỗi khi anh phải làm thêm vắng nhà. Khó khăn gì cô cũng phải gọi cho anh, quan trọng hóa mọi thứ, làm tất cả rối tinh rối mù lên. Anh ra đường mà cứ thấp thỏm không yên.
Là một người vợ vụng về, không biết vun vén
Nàng thích tiêu xài phung phí, sắm sửa vung vít, chẳng quan tâm tới việc dành dụm. Quần áo, mỹ phẩm, ăn uống, spa, xe cộ... cái gì cũng phải hàng hiệu, sao cho bằng chị bằng em. Cân bằng thu chi, vun vén gia đình là những khái niệm hình như chưa từng tồn tại với nàng. Lấy nhằm người vợ như vậy, dù ông chồng có "cày" như trâu cũng chẳng đủ cho vợ tiêu xài, "miệng ăn núi lở" mà! Có ông phải cố kiếm tiền để chứng tỏ bản lĩnh của mình, đến độ sa chân vào con đường bất chính, nhận hối lộ, thâm lạm công quỹ, tham ô... Chưa kể, một số bà vợ còn đẩy chồng đến chỗ phá sản, tù tội vì sự tham lam vô độ của mình. Người "may mắn" hơn thì cũng thường xuyên đối mặt với cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Có anh cực "sốc" vì sau khi đưa vợ giữ tay hòm chìa khóa, lúc có việc cần tiền lại nhận được thái độ ngạc nhiên ngơ ngác nai vàng của nàng "tiền còn đâu mà hỏi!".
Là một phụ nữ thích chê bai, lắm lời
Đó là những phụ nữ không biết đánh giá đúng khả năng của chồng mình, dù ở ngoài xã hội anh ta được nhiều người ngưỡng mộ, trọng vọng. Lại có anh chồng đi làm chỉ là một nhân viên bình thường, về nhà lại thường xuyên được vợ "động viên" bằng những câu như "anh có cố cũng chẳng đến đâu, cái số anh nó vậy rồi"! Hoặc so sánh lộ liễu, kiểu "thấy chồng người ta giỏi giang, kiếm tiền mà ham". Riết rồi anh chồng mất cả tự tin, mất hết ý chí phấn đấu, chỉ muốn an phận thủ thường, cả đời chấp nhận chỉ là một nhân viên quèn.
Lại có chị vợ thích chê bai chồng vụng về, hậu đậu, chậm chạp, ở dơ... Bao nhiêu tính từ "tốt lành" mỗi khi có dịp đều được chị tận dụng để công kích chồng. Mà hình như người vợ quên câu "xấu chàng hổ thiếp". Có khi các chị phê phán, xét nét lây sang cả đồng nghiệp, bạn bè của chồng, coi họ chẳng ra gì. Thậm chí, cả vợ con của bạn chồng họ cũng chẳng tha. Cái nết đó sẽ khiến chồng họ chẳng còn chỗ đứng trong xã hội, khó cơ hội thăng tiến.
Là một người tình "ngoài luồng" ngọt ngào quyến rũ
Nàng vừa trẻ trung, xinh đẹp lại ngoan hiền, biết điều để rồi vì đèo bòng, ham vui, anh không ngờ cuộc đời mình lại tuột dốc thảm hại. Các cô gái dạng này thường có khuynh hướng muốn độc chiếm người tình. Hai người đàn bà tồn tại song song sẽ làm anh ta không lúc nào yên. Quan hệ tay ba kéo dài có thể làm người đàn ông suy kiệt, mệt mỏi trong ghen tuông và nước mắt. Sóng gió thường chỉ kết thúc khi gia đình tan nát, công sức cả đời phấn đấu trôi theo sông theo biển.
Là một phụ nữ thành đạt vụng cư xử
phụ nữ ngày nay cũng đi làm, có sự nghiệp riêng và không hiếm người trong số đó tạo được vị trí tốt ngoài xã hội. Nhưng họ lại quên rằng, dù bản lĩnh và thành công đến đâu, người phụ nữ vẫn còn bổn phận với gia đình, còn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vụng cư xử, họ sẽ khiến ông chồng mang tâm lý thua kém, dẫn đến cách suy nghĩ và ứng xử tiêu cực. Nếu người đàn ông thiếu bản lĩnh, cộng với thái độ chê bai, xem thường của vợ, ở anh ta sẽ xuất hiện rào cản tự ti, không sao cởi bỏ được để phấn đấu, học tập và hoàn thiện mình.
Là một Hoạn Thư thời hiện đại
Họ xem bất kỳ người phụ nữ nào xung quanh chồng mình đều có thể trở thành "kẻ thứ ba". Vì thế, họ điều tra, cật vấn mọi thứ về thư ký, nữ đồng nghiệp, nữ đối tác, khách hàng của chồng. Có cơ hội là họ sẵn sàng tỏ thái độ khinh khỉnh, khó chịu với những phụ nữ đó. Rồi kiểm tra điện thoại, lục lọi cặp sách, laptop, bất ngờ đến công ty, gọi điện giám sát chồng thường xuyên... Nếu có nghi ngờ, họ chỉ muốn triệu tập chồng về ngay lập tức, bất kể chồng đang bù đầu với công việc. Mọi giao tiếp xã hội của chồng đều được đặt trong tầm ngắm nguy hiểm. Những việc họ làm khiến người chồng ngày càng bị xa lánh, vì ai cũng chuyển từ ái ngại sang e ngại. Điều này đồng nghĩa với các cơ hội phát triển của anh ta ngày càng ít đi.
Người xưa đã nói "Chồng khôn vợ được đi hài, vợ khôn chồng được có ngày cậy trông". Sao bạn không tự xét lại xem, mình có là hậu phương lỏng lẻo cho sự thất bại của chồng hay không?