Nhiều vợ chồng có cách ứng xử sai lầm với tài chính gia đình. Do đó, mâu thuẫn hay rạn nứt hạnh phúc cũng phát sinh từ đó.
Ảnh minh họa
Những gợi ý sau sẽ giúp vợ chồng hòa thuận về tiền nong:
1. "Liên minh" kinh tế
“Chiến lược” sai: Tiền ai người nấy giữ.
“Chiến lược” đúng: Của anh, của em và của chúng ta.vợ chồng trẻ hay tranh cãi về chuyện kiểm soát thu nhập. Cách hợp lý nhất về tài chính là vợ (chồng) vẫn có tài khoản cá nhân (sinh hoạt riêng) và một tài khoản mở cho gia đình.
Tạp chí Tài chính thông minh (SmartMoney) cho biết, khoảng 64% các cặp vợ chồng gộp thu nhập vào tài khoản chung, 14% chia riêng và 18% là hỗn hợp hai cách trên. Nhiều cặp vợ chồng chọn cách “tự trị”: “tiền anh, anh tiêu; tiền tôi, tôi tiêu” và tất nhiên, còn một khoản đóng góp chung dựa trên thu nhập thực tế của mỗi bên. Nhiều cặp vợ chồng bằng lòng và sống thoải mái với kiểu “tiền tự trị” như thế này.
2. Đương đầu với những khoản nợ
Chiến lược sai: Ai nợ thì người đó phải trả.
Chiến lược đúng: Đó là khoản nợ chung. Hãy cùng quyết định cách thức trả nợ. Nợ nần là vấn đề số 1 gây nên chiến tranh gia đình. Nhiều cặp không coi trọng đến khoản nợ cho đến khi bị đòi nợ thì cãi cọ là điều được báo trước. Cũng có trường hợp, một người (vợ hoặc chồng) bước vào hôn nhân với một gánh nợ trên lưng. Khi đó, việc giải quyết khoản nợ của người bạn đời là điều cấp bách. Dù muốn hay không thì khoản nợ của cá nhân bây giờ nên chuyển thành “nợ của gia đình”.
3. Luôn kiểm tra việc chi tiêu
Chiến lược sai: Một người tiết kiệm, người còn lại vung tay.
Chiến lược đúng: Chúng ta cùng chi tiêu hợp lý.
Ví dụ, một hôm, chồng bạn trở về nhà với nụ cười rạng rỡ và chiếc tivi 49 inch. Anh ấy giải thích đó là một ý tưởng thú vị trong khi bạn chỉ coi nó là điều lãng phí.
Các chuyên gia khẳng định, thói quen tiêu dùng là yếu tố thứ hai gây tranh cãi trong nhà. Ở hoàn cảnh trên, bạn dễ đổ tội cho chồng là “lãng phí”, “ném tiền qua cửa sổ” nhưng điều đó không thực sự chính xác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ và đàn ông tiêu tiền không kém nhau, vấn đề là hình thức. Người vợ phải chi trả cho nhiều thứ chung như hóa đơn điện, nước, quần áo cho bé… trong khi người chồng thích tậu những thứ to như tivi màn hình phẳng, ôtô, máy vi tính… Nếu ngồi tính toán thì người vợ cũng tiêu tiền nhiều chẳng kém chồng nhưng số tiền bỏ ra thường ít, thành nhiều lần nên không “xót ruột”.
Cách giải quyết là vợ chồng cùng gọi tên cách sử dụng tiền. Cùng ngồi xuống và thảo luận xem, người vợ tiêu bao nhiêu cho sinh hoạt hàng ngày, còn bao nhiêu tiết kiệm cho đồ vật đắt giá. Khi đó, không ai hậm hực lo người kia “vung tay” nữa.
4. Quỹ "bí mật"
Chiến lược sai: Suy nghĩ “Đối phương không biết mình có quỹ đen thì không sao”.
Chiến lược đúng: Quỹ đen quá lớn có thể phá hủy hôn nhân.
Nếu bạn phát hiện chồng có quỹ đen khổng lồ thì bạn sẽ nảy sinh tâm lý hoài nghi. Những câu hỏi như: “Sao anh ấy phải lập quỹ? Ngoài khoản này ra còn khoản nào khác chưa công khai? Quỹ này có dùng để nuôi bồ hay cờ bạc không?”... loanh quanh trong đầu bạn. Nhưng nó có biến thành cuộc cãi cọ hay không còn tùy vào cách giải quyết của bạn.
Nhiều người còn nói dối vợ (chồng) về giá trị thực một món đồ, số tiền chi tiêu cá nhân… Ở trong một chừng mực nào đó thì chuyện này được bỏ qua. Nếu người chồng tích trữ phần lớn (toàn bộ) thu nhập làm của riêng thì được gọi là “tham ô”. Chuyện này đã thành vấn đề lớn mà cả hai phải cùng đàm phán
Theo Me va be