Ai đó từng nói, không có hôn nhân xấu, chỉ có vợ chồng xấu mà thôi. Khi yêu nhau, người ta thường dành thời gian để hiểu nhau, nhưng khi chung sống, mọi người lại quên đi những việc đó.
Bạn đã áp dụng cách nào để duy trì tình cảm vợ chồng. Ngay cả khi cuộc sống quá vất vả, nhiều thứ phải lo toan? Nhiều khi vì mải mê chạy theo guồng quay cuộc sống, đánh mất sự để ý và hiểu nhau, thế là kẻ thứ 3 xuất hiện. Hoặc bỗng nhiên một ngày, chồng nhìn thấy trên mặt vợ mọc lên cái mụn to đùng và đáng ghét, đột nhiên thấy vợ sao mà xấu, thế là tự dưng... chán! Cũng có khi vào một buổi chiều, chị vợ nhìn thấy ông chồng trở nên cực kỳ vô nghĩa. Làm sao để vợ chồng hiểu nhau và yêu nhau nhiều hơn, ngay cả khi họ thường xuyên phải ăn cùng mâm, ngủ cùng giường và nhiều khi va chạm vì những vấn đề chung riêng?
- Luôn quan niệm, vợ chồng vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp lại vừa là người yêu, người tình. Có thể nói chuyện, chia sẻ để hiểu nhau hơn. Đó chính là cuộc sống thực để mình biết chấp nhận nhau và thấy nhau hấp dẫn hơn, mới hơn.
- Cư xử với nhau chân thành. Hãy làm vui lòng nhau bằng những niềm vui nho nhỏ, bất ngờ. Những bất ngờ thú vị dành cho người bạn đời sẽ có tác dụng như chất kích thích làm tăng sự hưng phấn trong tình cảm vợ chồng.
- Đừng quá trầm trọng hoá những điểm xấu của nhau như: Bạn nhận thấy chồng có hơi thở khó chịu khi thức giấc vào buổi sáng. Anh ta ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh. Lại còn vứt bừa những tạp chí trên sàn bếp và không bao giờ thu dọn thức ăn thừa để vào tủ lạnh.
- Cần tinh tế để đoán và đáp ứng “kịp thời” những nguyện vọng của nhau.
- Biết cách “giải thoát” bực tức. Nếu trong gia đình xảy ra một sự cố không may ngoài ý muốn, không thể cứu vãn được nữa thì không được dừng lại ở chỗ sầu thảm, ảo não hoặc oán trách, qui kết tội lỗi cho nhau, mà phải “tự giải thoát mình”, tức là hãy nghĩ thoáng rộng ra một chút. Chẳng hạn, nếu vợ hay chồng lỡ tay làm vỡ chiếc lọ hoa đắt tiền, bạn có thể nghĩ thế này: “Thôi, coi như từ trước tới nay chưa từng có chiếc lọ hoa này trong nhà”, hoặc: “Coi như đã tặng nó cho người khác vậy!”.
- Cố gắng dàn xếp những xung khắc. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy thiếu sót của người khác, chứ không phải khuyết điểm của mình. Chúng ta dễ bỏ qua - tầm quan trọng của sự suy nghĩ trên cương vị của người khác, trong khi xảy ra xung khắc. Cổ nhân nói: “Không nên phê bình anh ta, trừ phi anh đi đôi giày của anh ta đi bộ một cây số”. nói cách khác là cần ở vào cương vị của người ta thể nghiệm xung khắc, bạn cần biết rằng hiểu lý thuyết là một việc, thật sự đi trải nghiệm lại là một chuyện khác. Bạn sẽ phát hiện, người trong cuộc xung khắc có đầy đủ lý do cư xử như thế. Để giải quyết xung khắc, bạn nên nhìn vấn đề trên góc độ của người ta.
- Chứng tỏ sự ân cần, chăm sóc yêu thương nhau. Đây là yếu tố hàng đầu cần để duy trì một gia đình hạnh phúc. Đang tiếc là đã nhiều người xem thường hoặc bị hoàn cảnh khách quan chi phối như công việc, nghề nghiệp, bạn bè, con cái… nên đã lãng quên.
- Có niềm tin nơi vợ/chồng vì hạnh phúc được đặt căn bản trên lòng tin. Cần tránh lấn sâu vào "khoảng trời riêng tư " của người kia. Đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau. Điều này càng khiến tình cảm vợ chồng đằm thắm và hai người sẽ cảm thấy thoải mái.