Các xung đột là không tránh khỏi, nhất là trong đời sống vợ chồng. Đây là thời khắc khó khăn cần phải vượt qua, nhưng cũng là một dạng trao đổi mang tính xây dựng.
Chiến tranh giữa hai vì sao
Mọi tình huống đều có thể dẫn đến xung đột, tùy mức độ tự do “ngôn luận” của mỗi cá nhân. “Thủ phạm” là những trái ngược về lợi ích, ham muốn hay tình cảm bị xúc phạm.
Cặp vợ chồng nào cũng có lúc bùng nổ chiến tranh - thời khắc khủng hoảng nhưng cần thiết cho một mối quan hệ thành công. Trường hợp có bất đồng, chín chắn bày tỏ là cách giải quyết tốt nhất.
Trên thực tế, có những người chứa chất trong mình sự chua xót, khiêu khích đặc biệt. Họ thích thống trị và lấy cãi cọ làm niềm vui.
Ở một số người khác, xung đột lại là tự vệ, nhằm che giấu sự yếu đuối nào đó (do từng phải chịu các chuyện tương tự trước đây, như sống trong gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi cọ, đánh lộn).
Để đối phó thành công với xung đột, trước hết, mỗi người phải hiểu người kia. Cần nhìn nhận rằng gia đình không phải là tòa án, nơi người này cố giành phần thắng hay đổ lỗi, trách nhiệm cho người kia.
Nên tạo cơ hội cho mỗi người bày tỏ suy nghĩ, chấp nhận lắng nghe và công nhận các ý kiến trái ngược. Cuộc chiến sẽ tiêu tan khi bạn tôn trọng bản thân và tôn trọng chồng/vợ, quan tâm đến lợi ích của bạn đời. Cởi mở và lắng nghe đưa hai người xích lại gần nhau, tiến tới hòa giải.
Nguy hiểm và cám dỗ cố hữu tồn tại trong mọi xung đột chính là người này cố tìm cách thống trị người kia, khiến cả hai lâm vào bế tắc.
Ngay cả khi bạn hiểu rất rõ quan điểm của đối phương, bạn vẫn không thể chấp nhận. Tuy giải pháp chưa có nhưng bất đồng đã được làm sáng tỏ.
tình yêu không đồng nghĩa với việc người ta phải từ bỏ bản thân. Khi một người muốn điều mà người kia không mong đợi, không có giải pháp tự nhiên thì chia tay là lối thoát.
Nối lại đối thoại
Bạn cảm thấy lúng túng sau một cuộc cãi vã, phần vì do những gì đã xảy ra, phần vì không biết làm thế nào để hàn gắn mảnh vỡ tình cảm. Vậy đâu là bí quyết giúp cơm lành canh ngọt trở lại?
Nuốt kiêu hãnh
Trên chiến trường của xung đột, những trách mắng hay lăng nhục sẽ nhường chỗ cho thất vọng. Người ta không biết làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng đó.
Bạn có biết một cố gắng nho nhỏ cũng đủ để mọi việc ổn thỏa? Hãy nuốt lại kiêu hãnh, chủ động cứu nguy tình cảm và chứng minh sự chín chắn. Hờn dỗi không làm tình hình sáng sủa hơn, còn im lặng “đào sâu” khoảng cách giữa hai người.
Sau đó, chính bạn phải xem xét lại liệu những trách móc của cả hai có quá đáng? Những yêu cầu của anh/cô ấy có tương thích với các nguyên tắc của bạn?
Cần thời gian
Bạn tự nhủ ngay cả khi thoát ra khỏi cãi vã với rất nhiều “thương tích”, người ta vẫn hiểu về mình cũng như người khác, hiểu những điểm yếu và điểm mạnh của nhau.
Tuy nhiên, không nên chờ đến khi giọt nước tràn ly mới nói với bạn đời. Hãy thảo luận càng nhanh càng tốt để tránh tình hình vượt quá tầm kiểm soát.
Nếu cảm thấy bị phản bội và tổn thương sâu sắc, hãy dành thời gian suy ngẫm. Bởi ngay lúc đó, bạn chưa có đủ khách quan và tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề.
Chấp nhận khác biệt
Không có nghệ thuật cãi nhau nhưng chúng ta hãy nghĩ rằng xung đột có thể mang tính xây dựng. Nó cho phép chúng ta khẳng định lại các quan điểm, rèn giũa tính cách.
Cãi nhau cũng là cách đối thoại về các ham muốn, nhu cầu, các thiếu hụt nhằm tiến tới quan hệ tốt nhất, là cách giúp mọi người hiểu rõ nhau.
Bạn hãy học yêu những khác biệt, đôi khi là những khiếm khuyết nho nhỏ. Nên tránh “vạ miệng” trách mắng, nhất là khi điều đó không tốt, không quan trọng.
Tránh xung đột
Dĩ nhiên, đây vẫn được coi là cách phòng tránh tốt nhất. Khi thấy căng thẳng leo thang, hãy nghĩ đến việc lắng nghe và tôn trọng quan điểm người kia, ngay cả bạn có quan điểm hoàn toàn khác.
Sau đó, tự đặt trách nhiệm cho bản thân, cách thức giải quyết để không cãi vã bằng mọi giá. Khuyến khích sự quan tâm và đối thoại, bạn sẽ hiểu rõ hơn những ham muốn, nhu cầu, yêu sách của bạn đời.
Dù sao đi nữa, giông tố rồi sẽ qua rất nhanh. Một cuộc xung đột nhanh chóng bị lãng quên sau những khoảnh khắc hạnh phúc chia sẻ giữa bạn bè hay chồng vợ.
Ngọc Nhàn