Chia tài sản sau ly hôn

Người xưa có câu “nhà chia dọc, thóc chia hai” để thể hiện sự công bằng trong việc chia nhà ở, của cải cho các bên khi “thôi nhau”. Thế nhưng, khi chia tay, không phải cặp vợ chồng nào cũng có nhà cửa đủ rộng để có thể “chia dọc”. Nếu chỉ có một căn nhà duy nhất, khi ly hôn, người trong cuộc phải giải quyết thế nào để vừa được “tự do”, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi về mọi mặt của con trẻ?

Loay hoay

Anh Tr. làm tài xế. Vợ anh - chị H. là nhân viên siêu thị. Anh chị cưới nhau đã được 10 năm, có hai con chung. Năm 2007, anh chị ky cóp mua được căn nhà ở Q.4, TP.HCM, diện tích 36m2, cấu trúc một trệt, một lầu. Nhà không rộng nhưng cũng đủ để gia đình anh chị ổn định cuộc sống. Đầu năm 2010, chị phát hiện anh ngoại tình. Ban đầu, anh không thừa nhận, nói chỉ là chuyện “ăn bánh trả tiền” chứ không vướng bận tình cảm. Chị H. kiên trì theo dõi, trưng ra đầy đủ bằng chứng buộc anh thừa nhận hành vi ngoại tình. Tháng 6/2010 chị làm đơn xin ly hôn.

Trong đơn ly hôn, về phần tài sản chị H. nói rõ sẽ tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa giải quyết. Tuy nhiên, anh Tr. đã thuê luật sư làm đơn phản tố, yêu cầu phân chia tài sản chung. Tòa án có giải thích là với diện tích nhà chỉ 36m2 thì theo quy định của pháp luật, không thể chia đôi bằng cách tách thửa, hướng dẫn các bên là chỉ có thể định giá rồi một người lấy nhà một người lấy tiền.
Do anh Tr. làm nghề tài xế, không phải nuôi con nhỏ nên sẽ nhận tiền; chị H. làm ở siêu thị gần nhà, phải nuôi con nhỏ, nên ưu tiên ở lại căn nhà đó để không ảnh hưởng đến việc học của con. Tuy nhiên, theo kết quả định giá căn nhà (1,2 tỷ đồng), chị H. phải trả cho anh Tr. 600 trăm triệu đồng, mà khoản tiền này chị H. không thể nào có được.
Mô tả ảnh.
Ly hôn luôn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp (Ảnh minh họa)

Tòa án gợi ý giải pháp thứ hai là bán nhà chia tiền để các bên mua nhà nhỏ khác để ở. Giải pháp này được anh Tr. đồng ý, nhưng chị H. lại cho là với số tiền khoảng năm, sáu trăm triệu thì không thể mua được nhà ở trung tâm thành phố. Nếu ra ngoại thành hoặc vùng ven mua nhà thì xa quá, ảnh hưởng đến việc làm của chị và việc học của con… Đã năm tháng qua, anh chị vẫn chưa tìm được cách giải quyết việc phân chia tài sản, trong khi thời hạn tố tụng sắp hết, nếu các bên vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử theo luật định. Chị H. lo lắng nên đã tìm đến luật sư tư vấn.

Hoàn cảnh tương tự như anh Tr. và chị H., nhưng chị L. nhà ở Q.12 thì dù đã ly hôn, vẫn không thể có được cuộc sống tự do thoải mái, con cái cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xin tư vấn qua điện thoại, chị L. kể: “vợ chồng tôi kết hôn đã 15 năm, có hai con chung. Do không hạnh phúc, tôi đã làm đơn ra tòa ly dị vì chồng tôi thường xuyên nhậu nhẹt, không chịu lo làm ăn. Sống trong gia đình nhưng anh ấy rất gia trưởng, thâu tóm mọi quyền hành. Kinh tế gia đình chật vật, tôi xin đi làm thì anh không cho, đã vậy còn ghen bóng, ghen gió.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng tôi được cha mẹ chồng cho miếng đất, xây nhà ở từ năm 2004 cho đến nay, hiện vẫn chưa có chủ quyền. Khi ly hôn, tôi yêu cầu chia đôi nhưng chồng tôi không đồng ý, bảo đó là tài sản của gia đình anh ấy cho, chủ quyền đất vẫn là của ba mẹ anh ấy đứng tên, chưa tách thửa sang tên cho vợ chồng, nên chỉ được ở chứ không được chia.
Khi tôi đặt vấn đề chia tài sản, tòa án bảo tôi phải chứng minh căn nhà thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng, tôi có làm tường trình thì tòa nói, nhà chưa có chủ quyền hợp lệ, không thể phân chia được và yêu cầu tôi muốn được phân chia thì phải hợp thức hóa nhà; nếu để như vậy thì các bên chỉ có thể thỏa thuận tạm ngăn nhà ra để sử dụng, khi nào có đủ điều kiện, hãy yêu cầu phân chia. Không có cách nào khác, buộc lòng tôi phải rút yêu cầu phân chia tài sản chung. Sau khi ly hôn, tôi về thuê thợ tới nhà lắp vách ngăn để anh ở căn phía trước, tôi ở căn phía sau (nhà có cổng phụ), nhưng anh không đồng ý mà yêu cầu tôi ở trên gác với hai con, anh ở phía dưới.

Anh vẫn chứng nào tật ấy, đi nhậu về khuya, sống buông thả. vợ chồng thỏa thuận sau ly hôn là ăn riêng, ở riêng… nhưng do nhà không thiết kế riêng biệt nên vẫn phải chung đụng với nhau nhiều thứ trong sinh hoạt gia đình. Nhà cửa bề bộn, tôi phải dọn dẹp, tôi nấu cơm cho tôi và con, anh cũng đòi bỏ tiền để ăn chung, chi phí điện nước anh không đóng nhưng vì sợ bị cắt, tôi phải bỏ tiền ra đóng. Thỉnh thoảng, đi nhậu về khuya anh đòi vào phòng ngủ với tôi, tôi không đồng ý thì anh đánh đập, chửi bới, tôi phải cắn răng chịu đựng. Hoàn cảnh của mẹ con tôi giờ hết sức khó xử, không biết phải làm sao?”.

Quy định của pháp luật

Ly hôn luôn kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, nhất là với trường hợp các cặp vợ chồng có con nhỏ nhưng chỉ có một căn nhà duy nhất, không đủ diện tích để tách thửa phân chia theo quy định của pháp luật, trong khi ai cũng có nhu cầu cần thiết và chính đáng về chỗ ở.
Thông thường, để quyết định giao căn nhà cho bên nào, tòa phải xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ và con chưa thành niên… Trường hợp người nhận nhà ở mà không có điều kiện để hoàn lại giá trị chênh lệch cho bên kia, cơ quan thi hành án sẽ phát mãi nhà để thi hành án.

Vì vậy, nếu một trong các bên “kiên quyết” chia căn nhà duy nhất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của con cái và bên nhận nhà cũng chưa chắc đã yên ổn vì phải lo tiền để “thối” lại cho người kia, nếu không, nhà sẽ bị phát mãi thi hành án để phân chia theo quy định của pháp luật. Như vậy, sau những khó khăn vất vả phải “hầu tòa”, tới lui cơ quan thi hành án; chịu các phí tổn về án phí, chi phí thi hành án, chi phí phát mãi, thẩm định giá, đo vẽ…, số tiền mà các bên nhận được bị “hao hụt” rất nhiều, khó có thể tạo lập được chỗ ở mới như mong muốn.

Thấu hiểu điều đó nên trong thực tế, nhiều thẩm phán, luật sư… đã khuyên các cặp vợ chồng không nên yêu cầu tòa án giải quyết việc chia căn nhà duy nhất mà nên tự thỏa thuận để sử dụng sao cho hợp lý, để các bên sớm ổn định cuộc sống sau khi ly hôn mà không xáo trộn việc học hành của con trẻ.

Kinh nghiệm cho thấy, để tránh những rắc rối, phiền hà về sau, khi thỏa thuận ngăn nhà ở, các bên nên lập thành văn bản, trong đó ghi rõ: diện tích, vị trí sử dụng nhà của mỗi người; các chi phí sửa chữa, xây dựng; việc thanh toán tiền điện, nước; chế độ sinh hoạt, ăn uống, giờ giấc… càng chi tiết càng tốt, thà mất lòng trước được lòng sau. Văn bản này được lập thành nhiều bản, có đủ chữ ký của các bên và có thể nhờ cả người làm chứng ký tên vào. Mỗi bên giữ một bản, nộp một bản cho tòa án để đưa vào hồ sơ ly hôn và nộp một bản cho UBND phường, xã nơi có nhà để tiện việc quản lý.

Dẫu biết vợ chồng ly hôn mà vẫn phải ở gần nhau, chung đụng với nhau là hết sức bất tiện, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở mà không có giải pháp nào khác thì việc tạm ngăn nhà là cần thiết, pháp luật hoàn toàn không cấm. Vấn đề đáng quan tâm là ổn định cuộc sống các con. Vì vậy, luật tuy có nhưng nghĩa tình vẫn là trên hết, để giữ cân bằng cho cuộc sống con cái sau khi ly hôn.

------------------------------

------------------------------
Tags:
Đã đọc : 3193 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm