Càng là vợ chồng lâu năm, thì những cuộc hội thoại kéo dài giữa hai người diễn ra càng khó khăn.
Hồi còn yêu nhau, sao mà có lắm chuyện để nói thế, cứ ríu rít suốt ngày không chán. Thế mà chung sống với nhau rồi, chỉ 1, 2 câu là hết chuyện. Để rồi sau đó, người vợ tự hỏi: “Anh ấy đang nghĩ gì nhỉ?”
Cuộc sống hôn nhân vợ chồng bình thản, nhưng nếu nó ẩn chứa một tai họa tiềm tàng trong im lặng, điều đó mới đáng sợ. Người đàn ông mắc phải “bệnh im lặng sau hôn nhâu” này thường thiếu tình cảm dịu dàng, họ cho rằng mình là "đấng nam nhi", không cần thiết và cũng không muốn bày tỏ tình cảm chân thực của mình. Còn nếu phụ nữ là “bệnh nhân”, họ thường không thích tâm sự những tâm tư sâu kín của mình với chồng, coi chồng chỉ là người “đồng sàng dị mộng” và có xu hướng tìm kiếm “bạn lòng” ngoài xã hội. Nhiệt tình, chủ động bản thân nó đã là tôn trọng người mình yêu. vợ chồng nên cùng nhau sáng tạo cuộc sống mới, tạo ra nhiều cơ hội giao lưu tình cảm, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, lúc đó cuộc sống mới có nhiều niềm vui.
Các triệu chứng của “bệnh”
Thường cảm thấy nói chuyện với chồng (vợ) là lãng phí thời gian, là vô ích, thích làm việc một mình, không muốn bàn bạc với đối tác.
Cho rằng những lời nói đường mật trước hôn nhân, nay chỉ là những câu nói suông, thậm chí là ngốc nghếch .
Rất ít khi cùng chồng (vợ) thảo luận, trao đổi những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, rất ít khi hỏi xem chồng (vợ) cần gì.
Gặp phải mâu thuẫn cần tranh luận, kiên trì nguyên tắc của mình, không thỏa hiệp, cứng nhắc máy móc, không chịu nhường nhịn hoặc nhận sai lầm trước đối phương.
Mắc phải sai lầm không bao giờ chịu giải thích, cho rằng việc mình làm không ảnh hưởng gì đến gia đình, chẳng qua đối phương chỉ vô cớ làm ầm lên mà thôi.
Chồng (vợ) làm những việc tốt trong gia đình, mình lại coi thường, cho là không có gì ghê gớm, không đáng để vui mừng, thậm chí còn đả kích vài câu mới… thỏa.
Khi chồng (vợ) tức giận, không biết an ủi, vỗ về động viên mà còn bỏ mặc phớt lờ.
Khi chồng (vợ) đang bàn luận nghĩ cách, mình lại tỏ ra không thèm để ý tới.
Có một vài việc trong lòng rất không vừa ý, nhưng lại không thể trao đổi thẳng thắn, cứ dựa dẫm chờ đối phương xét đoán, còn mình thì giả vờ không quan tâm tới.
Khi 2 người ở bên nhau, thường cảm thấy vô vị, buồn chán...
Để thu hút sự quan tâm của anh ấy
Nội dung thảo luận
Anh ấy là một người chúa ghét những chuyện tầm phào, hoặc anh ấy không quan tâm đến âm nhạc nhưng bạn lại cứ mãi huyên thuyên kể về một buổi biểu diễn của ca sĩ Mỹ Tâm... Trong khi đó, đàn ông lại rất sợ bị người khác bảo là “đồ không biết gì” nếu như đề tài đang được thảo luận lại là lĩnh vực họ không am hiểu. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng vợ (chồng) không quan tâm đến những câu chuyện của nhau.
Đừng lải nhải, chỉ trỏ
Khi nói chuyện, nên nói với một âm lượng, chất giọng dễ nghe, đừng nói chọn một “chất giọng” có tình đả kích hay cứ lải nhải bên lỗ tai anh ấy. Càng không nên dùng tay chỉ trỏ trong lúc nói chuyện. Bạn không phải là sếp của anh ấy và anh ấy không thích phải giơ tay lên để phòng vệ.
Lắng nghe thực sự
Vấn đề là bạn luôn ngồi bên khi anh ấy nói, nhưng không phải lúc nào bạn cũng lắng nghe. Đã bao nhiêu lần những thứ khác lởn vởn trong đầu bạn khi ngồi nghe anh ấy nói? Lúc nghe bạn cũng có thể đang nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp thay vì hoàn toàn chăm chú lắng nghe. Điều quan trọng là hãy thực sự lắng nghe, đừng để ý nghĩ của riêng bạn và thế giới bên ngoài chi phối. Đàn ông có thể cảm giác được khi bạn đang thực sự lắng nghe và hiểu mình cần nói gì. Lắng nghe là cách tốt nhất để anh ấy thành thật với bạn.
Đề cập đúng lúc
Đàn ông thích từ tốn, “có lúc có thì”, trong khi phụ nữ cứ ào ào, muốn được mổ xẻ vấn đề ngay lập tức. Điều đó là không nên. Bạn đừng có “trút bầu tâm sự” trong lúc anh ấy đang bận rộn, cũng đừng đòi hỏi anh ấy đưa ra kết luận/nhận xét ngay sau câu chuyện mà hãy đợi một khoảng thời gian nhất định rồi nhắc lại và hỏi ý kiến anh ấy.
Và đúng nơi
Những câu chuyện về công việc, những bực bội trong lúc đi chợ mua rau lúc chiều… đừng đem vào thảo luận trong phòng ngủ, điều này sẽ tạo nên áp lực cho những cảm xúc vừa mới nhen nhóm trong anh ấy.
"Không" để có thể thực sự chuyện trò
Không phán xét
Chẳng có anh chàng nào lại để bạn "chiếm giữ" bộ óc của anh ta nếu anh ta luôn có cảm giác mình sắp bị chỉ trích hoặc bị gán tội. Bạn đừng bao giờ đưa ra những lời bình luận kiểu này: "Tại sao anh lại có thể làm một việc như thế?" hoặc "Em sẽ chẳng bao giờ làm như thế cả". Hãy cho chàng tự do để nói một cách cởi mở và trung thực mà không bị những phán xét của bạn chi phối và bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả. Bạn không nhất thiết phải bỏ qua hoặc tha thứ cho tất cả những gì anh ấy nói. Bạn đơn giản chỉ tạo ra một không khí dễ chịu để anh ấy cảm thấy thoải mái nói ra những gì mình nghĩ.
Không hỏi "tại sao"
Những người bị bệnh tâm lý, trong quá trình điều trị, họ thường được dạy cách đưa ra câu hỏi "tại sao." Vì thế, khi bạn hỏi một chàng trai "Tại sao anh lại làm như thế?" người ta có thể hiểu nhầm thành "Anh có vấn đề gì về… thần kinh không, tại sao anh lại làm như thế?" Và anh ấy sẽ chuẩn bị tư thế "phòng thủ" trước khi bạn kết thúc câu nói. Ngoài ra, từ “tại sao” còn có vẻ rất chỉ trích và tiêu cực. Hãy học cách dùng câu thay thế như "Anh kể tiếp đi" thay vì "Anh làm gì sau đó?"…
Không bắt đầu bằng "Chúng ta cần nói chuyện"
Không có việc gì làm chàng ta sợ bằng việc nghe thấy câu "Chúng ta cần phải nói chuyện". Câu nói này hàm ý rằng anh ấy đã làm sai việc gì đó, anh ta có rắc rối, và bạn sắp cho anh ấy đau đầu. Anh ta sẽ tìm cách tránh trước khi cuộc nói chuyện bắt đầu. Cách tốt nhất để "bắt tay" vào một chủ đề quan trọng là hãy làm ra vẻ thật đơn giản, thật tình cờ. Hãy lựa chọn thời gian khi hai bạn đang làm một việc nho nhỏ cùng với nhau như lau nhà, nấu bếp, để bắt đầu câu chuyện. Những việc như thế sẽ giúp câu chuyện bớt phần khó khăn và anh ấy sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn nhớ là đừng 'tiếp cận' khi anh ấy đang làm một việc quan trọng, như chuyện kinh doanh, hay một trận đấu bóng mà đội yêu thích của anh ấy đang có nguy cơ thua cuộc.