tư vấn tâm lý lâm sàng - một cái nhìn cụ thể

Chưa rõ có phải tới 50% số người trong cả nước bị stress, nhưng chắc chắn ta đang thiếu một đội ngũ các nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.

 

Hiện chưa có những số liệu thống kê chính thức được công bố về tình trạng stress ở Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Công ty Hoffmann-La Roche tiến hành nhằm đánh giá tình trạng stress ở Việt Nam vào năm 2002 cho thấy, tỷ lệ bình quân người bị stress trong cả nước là… 52%! Riêng ở Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ người bị stress lần lượt là 55% và 52%

Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác được tiến hành ở các trường THPT nội thành TP.HCM lại đưa ra một số liệu đáng ngại không kém: 21% học sinh trung học bị trầm cảm! Cuộc khảo sát này do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM) phối hợp với Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM thực hiện gần đây…

Không ầm ỉ nhưng ngấm ngầm, stress đã trở thành một vấn nạn đáng báo động trong xã hội. Tiếc thay, căn bệnh này lại chưa có "thuốc chữa" do thiếu hẳn một đội ngũ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.

stress… bi kịch trong đời thường

Chỉ vì tận mắt chứng kiến người bạn gái thân của mình bị xe tông, một học sinh lớp 10 đã bị sốc tâm lý. Em đã nghỉ học, nhốt mình trong phòng mấy tháng liền và tự tử đến ba lần nhưng không thành

 

Trong chương trình Trò chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM mới đây, một bé gái đã thổn thức trong điện thoại: “Con giận mẹ lắm, con thấy mẹ không công bằng với con. Từ nhỏ đã bị mẹ đánh rất dã man, lớn lên thì ngày nào cũng bị mẹ dùng những lời lẽ xúc phạm. Con chỉ muốn chết, càng ngày con càng xa lánh mẹ”. Cô bé nhìn nhận mẹ không tốt với mình ngay từ bé, và nuôi lòng thù hận cho đến tận bây giờ, khi đã học lớp 12.

 

Rồi thì… "Dạo này chồng em hay lầm lì, em phải làm gì để kéo chồng về với mình". "Em muốn ly dị chồng, em rất mệt mỏi, xin cho biết em phải làm gì?". "tình yêu anh ấy đối với em như thế nào?" Anh ấy như vậy, như vậy, em có nên cưới không?"."Bố cháu có vợ bé, phải khuyên bố như nào? Con tôi học hành sa sút, xin cho vài lời khuyên về cách dạy con". "Con không muốn học nữa, gia đình chẳng ai quan tâm đến kết quả học tập của con. Bố mẹ mãi lo kiếm tiền, con buồn quá, muốn bỏ nhà đi"…

 

Càng ngày, những câu chuyện kiểu như trên càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống - một chuyên gia tư vấn tâm lý lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí, có trường hợp stress đến mức phải đến chuyên khoa tâm lý Y học - Bệnh viện Tâm Thần để điều trị, như trường hợp của chị H.M, nhà ở quận Tân Bình. Hoàn cảnh gia đình của chị thiếu ổn định, vợ chồng thường xuyên gây lộn với nhau. Cho đến một ngày, khi cơn giận dữ của chị H.M bộc phát thì đột nhiên chị... không nói được gì nữa! BS Lâm Hiếu Minh, công tác tại Khoa tâm lý Y học, cho biết đây không phải là người duy nhất "đột nhiên không nói được". Vật duy nhất chị H.M mang đến bệnh viện là quyển tập và cây viết để… nói chuyện với BS. Sau ba ngày trị liệu tâm lý đúng cách, chị HM đã bình ổn trở lại.

 

Những chuyện tư vấn… cười ra nước mắt!

 

Áp lực học hành thi cử cũng khiến cho nhiều học sinh rơi vào trạng thái stress. Điều may mắn là chị H.M đã tìm đến "trúng thầy" để được điều trị đúng cách. Không phải ai cũng được may mắn như vậy…

 

Thạc sĩ Lê Quang Y, một người đã từng làm công tác tư vấn tâm lý lâu năm, kể lại một số chuyện “tư vấn tâm lý”… cười ra nước mắt. Chẳng hạn, một thân chủ đang cần được “tư vấn” về chuyện ông chồng dạo này hơi “lăng nhăng” thì nhận được lời khuyên từ “nhà tư vấn tâm lý”: “Thằng chồng như vậy thì bỏ quách nó đi!”, trong khi đó khách hàng chỉ muốn tìm lời khuyên chứ không phải muốn bỏ chồng! Có trường hợp chồng chỉ ham thích đánh bài cho vui với bạn bè (đánh Tiến lên, vài ngàn đồng một ván), vợ chỉ muốn “nhà tư vấn” cho vài lời khuyên, giải pháp để khuyên nhủ chồng đừng ham chơi nữa, thì được “tư vấn” là: “Kêu công an bắt, nếu muốn thì tôi… kêu công an giùm cho”. Cũng có trường hợp đứa con ngoan, học giỏi đang ở tuổi dậy thì có biểu hiện theo bạn bè xấu, tập tễnh hút xách…cha mẹ trông chờ vào “nhà tư vấn” chỉ ra những đặc trưng tâm lý lứa tuổi và những biệp pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm-sinh lý lứa tuổi để định hướng giáo dục cho con mình, thì lại được “tư vấn” là: “Ông, bà nên đưa con mình vào Trung tâm Giáo dưỡng hoặc Trung tâm Cai nghiện” (?!)…

 

Một trường hợp khác cũng không kém phần khôi hài: Chị T.T.B ở một miền quê, đến với một nhà tư vấn tâm lý để thổ lộ: “Chồng em suốt ngày say xỉn. Mỗi lần anh say em hay cằn nhằn, nói nặng nói nhẹ, khuyên anh đừng nhậu. Thế mà ảnh lại quay qua thượng cẳng chân hạ cẳng tay với em…”. Nghe xong, chuyên viên tư vấn tâm lý bèn khuyên: ”Ảnh hay uống rượu chắc là đang buồn chuyện gì, chị nên cư xử nhẹ nhàng như pha cho chồng một ly nước chanh, đưa cho chồng một cái khăn ấm…”. Chị T.T.B cứ thế mà làm theo lời khuyên của nhà tư vấn tâm lý nọ. Hỡi ôi, trước nay, chị TTB đâu có dịu dàng được với chồng như thế, thành thử ông chồng của chị TTB đi từ… ngạc nhiên đến hồ nghi “vợ mình đang có… “âm mưu gì đây?”. Kết cục: chẳng những không giải toả được tâm lý ức chế do bị chồng say xỉn, đánh đập, chị T.T.B còn bị chồng theo dõi gắt gao còn hơn trước…

 

tư vấn tâm lý, một lần… rồi thôi!

 

Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 12-13 trung tâm tư vấn, mỗi trung tâm chịu sự quản lý của một cơ quản chủ quản. Trung tâm tư vấn tâm lý Giáo dục tình yêu hôn nhân-gia đình (37 Nguyễn Thông) trên danh nghĩa thuộc quyền quản lý của Hội tâm lý TP.HCM, nhưng có con dấu riêng do UBND TP.HCM cấp. Vì thế, Trung tâm được xem là một đơn vị độc lập. Còn Trung tâm tư vấn tình yêu-hôn nhân-Gia Đình ở 145 Pasteur, Q.3 thuộc sự quản lý của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Trung tâm tư vấn Giáo dục-tâm lý-Thể chất lại do Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM quản lý. Trung tâm tư vấn tâm lý và Quản lý Giáo dục (7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) có đơn vị chủ quản là Trường Quản lý Cán bộ TP. Trung tâm tư vấn Học đường (32C Trương Định) trực thuộc Hội tâm lý Giáo dục TP.HCM,...

 

Liệt kê như thế để thấy việc mở trung tâm tư vấn tâm lý hiện nay có vẻ thật dễ dàng, chỉ cần trung tâm ấy có mời gọi được một vài chuyên gia tên tuổi trong ngành. Nói như chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy, cán bộ giảng dạy Khoa tâm lý, ĐH Văn Hiến và là chuyên viên tâm lý thuộc Trung tâm tham vấn tâm lý cho Cá nhân và gia đình IFC: “Ở nước ta chưa có một cơ quan để cấp giấy phép hành nghề, cấp chứng nhận cho một người đủ điều kiện để hành nghề tư vấn tâm lý. Người ta còn lẫn lộn giữa tư vấn tâm lý và cho lời khuyên về giáo dục, nên mới xảy ra tình trạng nhập nhằng. Có những chuyên viên tư vấn là những giảng viên thuộc tổ bộ môn tâm lý của các trường. Ở các trung tâm tư vấn hiện nay, hầu như “việc của ai, người nấy biết”. Thành thử, không ai biết được quan hệ giữa nhà tư vấn tâm lý với thân chủ của mình. Càng không biết được nhà tư vấn tâm lý đã “tư vấn” ra sao với thân chủ của mình"!

 

Một nhà tư vấn tâm lý (đề nghị giấu tên) tiết lộ: "Nhiều người ngộ nhận rằng khi đến tư vấn tâm lý xong sẽ ra về trong trạng thái thoải mái về tinh thần. Nhưng đâu ai ngờ, có ở trong nghề mới biết, có những thân chủ đến với nhà tư vấn tâm lý để rồi… thề rằng sẽ không bao giờ đi tư vấn tâm lý nữa!”.

 

tư vấn tâm lý chuyên nghiệp… bao giờ?

 

Nếu không giải quyết tận căn stress, sẽ dẫn đến các rối loạn khác về tâm thần. Theo ThS Nguyễn Công Vinh, hiện đang công tác tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, chuyên viên tư vấn được chia thành hai chuyên ngành: tư vấn trị liệu và tư vấn tâm lý bình thường (hay còn gọi là cho lời khuyên)

 

Với ngành tâm lý trị liệu, đối tượng là những con bệnh như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh hoang tưởng… Với dạng bệnh này, các chuyên viên phải tìm ra nguồn gốc, căn nguyên của bệnh. Tiếp đến là sử dụng các liệu pháp như: gia đình trị liệu, tâm kịch… để chữa bệnh tâm lý. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay chỉ mới xuất hiện những người làm công tác tư vấn nhằm giải toả những trường hợp stress bằng cách đưa ra... những lời khuyên. Thực chất, chỉ có thể gọi đó là công việc cố vấn về tâm lý mà thôi. Chính vì vậy, nhiều người được gọi là “nhà tư vấn tâm lý” như hiện nay chỉ có thể dừng ở mức đưa ra lời khuyên theo… kinh nghiệm! Những lời khuyên ấy chưa dựa vào bản chất tâm lý của mỗi người mà chỉ dựa vào những tập quán xã hội, cách xử sự được nhiều người chấp nhận... Thế thôi!

 

Cũng theo ông Vinh, nếu chỉ dừng ở chỗ gọi là “tư vấn” như đã nói ở trên thì không nhất thiết phải là những người được đào tạo chuyên môn. Nếu một người có nhiều kinh nghiệm, có sự nhạy cảm với con người thì cũng có thể có những lời khuyên hữu ích. Nếu thế, người ta chỉ nên tư vấn nhận thức chứ không nên tư vấn hành vi. Muốn tư vấn hành vi, người ta cần phải được đào tạo chuyên môn để hiểu rõ đối tượng, hiểu rõ những người xung quanh đối tượng. Nếu không hiểu rõ, người tư vấn sẽ mang đến nguy hiểm cho thân chủ của mình. Điều đáng báo động là hiện nay, nhiều trung tâm đang tư vấn cả hành vi cho thân chủ: “Theo tôi, bạn nên làm như thế này, làm như thế kia”…

 

Còn chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy đưa ra một trường hợp cụ thể để so sánh. Cách đây hơn một năm, một kỹ sư người Anh bị tai nạn khi đang thi công một công trình ở Quận 7, TP.HCM. Ngay lập tức, Bệnh viện SOS Colombia cử hai, ba chuyên viên tâm lý đến làm việc với các kỹ sư người nước ngoài cũng đang làm việc chung với người bị tai nạn. Nhiệm vụ của các chuyên viên tâm lý này là lôi kéo những ý nghĩ tệ hại ra khỏi đầu những đồng nghiệp của người bị nạn, vốn đang bị ám ảnh bởi vụ tai nạn nói trên.

 

Ở nước ta, chưa từng có tiền lệ tư vấn tâm lý như thế và cũng chưa có đơn vị nào cung ứng dịch vụ tư vấn tâm lý như vậy cả. Cho dù có những cá nhân, đơn vị có nhu cầu điều trị nhằm giải toả stress, họ cũng khó biết được phải tìm đến đâu. Cho dù có tìm đến nơi nào để được tư vấn tâm lý chăng nữa, người bị stress cũng chưa đủ niềm tin để đánh giá hiệu quả tư vấn tâm lý. Trong khi đó, người Việt Nam đã quen với nếp nghĩ, mọi chuyện xảy ra là do số phận nên phải cố gắng để chịu đựng, chấp nhận nó.

 

Liệu nếp nghĩ này còn tồn tại đến bao giờ nếu như xã hội vẫn còn thiếu vắng cả một đội ngũ các nhà tư vấn, bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ…

 

Vân Điển - Đoan Trúc

 


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 4074 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm