Cuộc sống hiện đại đem lại cho con người nhiều sự tự do thỏa mái về đời sống vật chất và tinh thần, làm cho con người trở nên độc lập hơn nhưng cũng "cô đơn" hơn, dễ bị tổn thương, trầm cảm hơn...
Hiện nay, trầm cảm là chứng thường gặp nhất trong tâm thần học. Theo nghiên cứu thống kê tại Pháp thì có khoảng trên dưới 10% dân số bị mắc chứng trầm cảm.
Đó là ở những nước văn minh. Còn ở Việt Nam, do chưa có điều tra cơ bản nên chưa thể đưa ra con số thống kê đáng tin cậy nhưng trong thực tế thì trầm cảm cũng là một trong những chứng bệnh ngày càng gia tăng và làm mọi người bắt đầu chú ý bởi số người bị trầm cảm ngày càng nhiều và thuốc chống trầm cảm là một trong số những thuốc được tiêu thụ khá cao.
Việt Nam đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường, cuộc sống còn nhiều khó khăn, có sự mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế, đẩy con người vào guồng máy chạy đua tìm kiếm mưu sinh đời sống. Người thành công không ít nhưng kẻ thất bại cũng nhiều. Cuộc sống còn nhiều căng thẳng mâu thuẫn khó giải quyết. Điều này làm cho trầm cảm dễ bộc lộ và khuynh hướng gia tăng...
Theo nghiên cứu trầm cảm có hai nguyên nhân chính:
- Nội sinh (từ bên trong, do di truyền,...).
- Ngoại sinh (do sốc tâm lý nặng nề như: thất tình, ly thân, ly dị, thi trượt, mất việc, người thân chết, làm ăn thua lỗ, mất mát lớn về vật chất hoặc tinh thần...).
Tuy nhiên trong thực tế nhiều khi cả hai nguyên nhân đan xen vào nhau rất khó phân biệt. Dù nguyên nhân nào đi nữa thì hậu quả của trầm cảm cũng rất phức tạp và trầm trọng như: lạm dụng thuốc, lạm dụng rượu, nghiện rượu, nghiện ma túy, giảm khả năng hay mất khả năng lao động, giảm chất lượng sống, tan vỡ cuộc sống gia đình... và đặc biệt là tự sát.
Tự sát không chỉ gây ra chết chóc cho người bệnh mà nó còn gây đau khổ cho người thân, gây hoang mang trong cộng đồng... Theo thống kê ở Pháp, tỷ lệ chết do tự sát vì trầm cảm lến đến 35% tổng số ca tự sát và tự sát nằm trong số 10 nguyên nhân gây chết lớn nhất trên toàn thế giới.
Và ngay cả ở Nhật Bản, tự sát đang trở thành một làn sóng ở giới trẻ khiến cho nhà chức trách phải đau đầu mà nguyên nhân đằng sau thường là trầm cảm.
Trầm cảm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng việc phát hiện chẩn đoán sớm để điều trị không phải đơn giản vì biểu hiện của nó rất đa dạng do tính pha trộn, do tính giấu mặt của nó.
Ngay ở Pháp, một nước văn minh có nền y học nằm trong số những nước đứng đầu thế giới thì người ta cũng thấy khoảng 75% trường hợp trầm cảm chưa được chuẩn đoán và điều trị đầy đủ do không được phát hiện.
Điều này ở Việt Nam lại càng thấy rõ hơn, do thông tin chưa đầy đủ, trình độ dân trí thấp, số lượng bác sỹ tâm thần ít, người dân ngại đến bệnh viện tâm thần vì cho rằng đó chỉ dành cho người điên, nên bệnh nhân thường chạy chữa nhiều nơi, dùng thuốc không đúng có khi còn nhờ đến mê tín dị đoan rất phức tạp...
Về điều trị trầm cảm thì cần một liệu trình điều trị kéo dài đầy đủ về thuốc và thời gian. Thời gian điều trị tối thiểu từ 6 tháng, nếu bệnh tái diễn nhiều lần thì sau khi bệnh ổn định cần điều trị duy trì chống tái phát.
Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật nói chung và công nghiệp dược nói riêng thì bên cạnh các thuốc chống chồng cảm cổ điển, ngày nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm mới có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, dễ sử dụng và các trị liệu khác như liệu pháp điện kích thích não, các liệu pháp tâm lý xã hội...
Điều này làm cho điều trị trầm cảm ngày càng khả quan, số lượng bệnh nhân trở về với cuộc sống bình thường ngày càng nhiều. Đặc biệt người ta thấy một số người sau khi bị trầm cảm và được điều trị khỏi thì nhân cách trở nên mạnh mẽ.
Bác sĩLê Đào Nghĩa
Để thuận tiện cho việc định hướng chuẩn đoán trầm cảm ta có thể tham khảo bảng đánh giá sau đây, tùy theo giai đoạn nặng nhẹ mà các triệu chứng nhiều hay ít, nói chung nếu có khoảng 5 nhóm triệu chứng trở lên thì có khả năng bị trầm cảm.
1. Rối loạn giấc ngủ: Khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm, không ngủ được nữa hoặc thức giấc từ 2-3 giờ sáng mà không ngủ lại được kèm theo cảm giác bồn chồn khó chịu.
2. Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, chậm tiêu, sợ ăn, táo bón... dẫn đến gầy sút.
3. Rối loạn chức năng tình dục: Giảm hay mất thèm muốn quan hệ tình dục, bất lực (có khi ghê sợ).
4. Cảm thấy bồn chồn, lo âu, đứng ngồi không yên, nặng đầu, đau mỏi toàn thân, đau tức ngực như bị đè ép, sợ lạnh, có khi cảm giác mạch máu đông cứng tắc nghẽn, nội tạng hư hỏng...
5. Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, mất tập trung, buồn rầu mất hứng thú làm việc, mất thích thú giải trí hằng ngày trước đây (thể thao, xem tivi, sách báo, phim...). Cảm thấy xung quanh buồn rầu, ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.
6. Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, mất tự tin, ngai tiếp xúc, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình, nhìn mọi việc đều đen tối bi quan.
7. Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và người xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi.
8. Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng của mọi người.
9. Có ám ảnh ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát bằng thuốc ngủ, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe... hay đã có lần tự sát.
10. Nghĩ rằng mình bị bệnh nặng vô phương cứu chữa, là hình phạt đáng phải chịu.
Theo Tiền phong