“Hôm qua và hôm kia, ông (bà) đã có những giấc mơ như thế nào? Thời gian gần đây ông (bà) đã thấy gì trong mơ?”... Trong tương lai không xa bạn có thể nghe thấy những câu hỏi tương tự trong các buổi bác sĩ tiếp bệnh nhân.
Bởi sự thật là đã có nhiều người phải thừa nhận rằng: giấc mơ có thể báo trước bệnh tật.
Một ngành khoa học mới về các giấc mơ như là những trợ thủ của y học mới chỉ bắt đầu con đường của mình.
Mối quan hệ giữa giấc mơ và bệnh lý
Suốt hơn 1 năm, một người đàn ông khỏe mạnh ở thành phố Lêningrad (Nga) thường xuyên mơ thấy mình bị một con rắn to quấn quanh cổ cho tới thắt lưng. Khi tỉnh dậy, trong hoảng sợ, ông ta có cảm giác đau nhẹ ở cổ và ngực.
giấc mơ ấy cứ trở đi trở lại cùng với những cơn đau tăng dần đã khiến ông quyết định đi khám tại bệnh viện thần kinh. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm tủy sống.
Theo các bác sĩ của bệnh viện này, nếu ông tới sớm hơn, ngay khi các giấc mơ đầu tiên cùng với những cơn đau xuất hiện thì kết quả điều trị chắc chắn sẽ khả quan hơn.
Nhưng vì không để ý đến những dấu hiệu của bệnh tật được báo trước trong giấc mơ nên ông đã phải trả giá. Căn bệnh đã khiến ông phải gắn mình vào chiếc xe lăn trong suốt phần đời còn lại.
Một lần, V.N.Kaxaskin, một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ người Nga, nghe người phụ nữ đứng tuổi kể chuyện bà đã hơn tháng nay bị một giấc mơ ám ảnh: chính bà ta hoặc ai đó trong số những người quen của bà ta ăn cá sống hay cá ươn.
Kaxaskin liền khuyên bà đi xét nghiệm hệ tiêu hóa và ông đã không nhầm khi bác sĩ kết luận người phụ nữ kia bị viêm dạ dày ở dạng cấp tính.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp mà lịch sử y học thế giới ghi nhận được về mối quan hệ giữa những giấc mơ và bệnh lý. Những ghi nhận này đều có chung một kết luận rằng: giấc mơ là “điềm báo” trước cho những bệnh tật mà người đó sắp mắc phải.
Một người đàn ông trong giấc mơ thấy bị bọn cướp đón đường và cưa đứt chân phải của ông ra. Một số người mắc bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa cũng có thể nhìn thấy những hình ảnh báo hiệu trong mơ: thấy mình ăn thức ăn ôi thiu hay nhìn chằm chằm vào con cá ươn, thịt hay trái cây đã thối hỏng.
Nếu hệ hô hấp có vấn đề, người ta thường mơ thấy những vụ hỏa hoạn hoặc bị một vật gì đó đè nặng lên ngực. Những giấc mơ thấy mình bị xích tay, mang giày chật hay đứng không nổi là dấu hiệu của chứng đau xương và khớp...
Lý thuyết về các giấc mơ
Mặc dù việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các giấc mơ và bệnh tật không phát triển thành một bộ môn, song các thầy thuốc từ cổ chí kim đều công nhận rằng, trong một số trường hợp, giấc mơ phản ánh khá rõ nét tình trạng sức khỏe của con người. Nó là dấu hiệu báo trước những căn bệnh tiềm ẩn, cũng như những biến động về mặt tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh tật.
Từ thời xa xưa, các nhà nghiên cứu y học Hy Lạp cổ đại như Hippocrates và Galen đã tin rằng giấc mơ ẩn chứa những thông tin có thể giúp cho thầy thuốc chẩn đoán bệnh tật. Quan điểm này sau đó tiếp tục được nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó có nhà tâm lý học Sigmund Freud ủng hộ.
Theo Freud, bệnh tật có thể gây ra một số loại giấc mơ với một chủ đề nào đó. Và việc phân tích các giấc mơ không chỉ giúp bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh mà còn cả trong việc chữa bệnh: theo sự thay đổi các giấc mơ có thể phán đoán về sự phát triển của bệnh, về việc các loại thuốc do bác sĩ chỉ định có cải thiện được tình hình hay không.
Một trong những nhà khoa học đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về mối quan hệ giữa giấc mơ và bệnh lý là bác sĩ tâm thần người Nga P.B.Ganuskin.
Dựa trên kinh nghiệm chữa bệnh của mình và theo những báo cáo khác nhau của các đồng nghiệp, ông đã giải thích các giấc mơ báo trước bệnh tật trên cơ sở kiến thức sinh lý học thần kinh.
Ông cho rằng, những chuyển biến chức năng rất không đáng kể, xảy ra do rối loạn tuần hoàn máu đến các vùng của bộ não chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động của các cơ quan tương ứng mà trong thời gian tỉnh táo con người không cảm giác được.
Trong thời gian ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ không sâu (ngủ REM), những tín hiệu bệnh lý dè dặt như tăng giảm nhiệt độ, mạch, huyết áp, lượng adrenaline, tiết axít dạ dày... đột nhập vào não không gặp phải sự “cạnh tranh” từ phía những luồng kích thích bên ngoài. Và những tín hiệu bệnh lý đó được chuyển thành các hình ảnh của giấc mơ.
Những giấc mơ mang tín hiệu của bệnh lý cũng có ảnh hưởng nhất định đến não bộ. Đối với những người mới bị nhiễm bệnh, sức đề kháng của cơ thể có khả năng hàn gắn những tổn thương ban đầu của lớp mô bộ não, nên giấc mơ nhanh chóng bị quên đi.
Tuy nhiên, khi bệnh lý tiến triển, lớp mô của não bị tổn thương nghiêm trọng hơn và giấc mộng “tiên tri” khi ấy sẽ được lặp đi lặp lại với một biên độ dày hơn.
Sau khi đã phân tích hơn 4.000 giấc mộng của người khỏe và người ốm, ở người mù và người câm điếc, V.N.Kaxaskin đã xuất bản cuốn Lý thuyết về các giấc mộng.
Theo ông, những “mộng báo bệnh” xuất hiện chừng 2 - 3 tháng trước khi bệnh cao huyết áp xuất hiện, một tháng trước khi có bệnh viêm dạ dày, hai tháng trước những triệu chứng rõ rệt đầu tiên của bệnh lao. Còn một số bệnh ở não thậm chí còn bộc lộ qua các giấc mơ một năm trước khi phát bệnh.
Trong khi đó, ở nhiều trường hợp, có thể dự đoán khá chính xác căn bệnh nào sẽ đe dọa cơ thể.
Chẳng hạn, những cảnh nghẹt thở thể hiện qua các giấc mộng báo trước về bệnh phổi; mắc bệnh viêm dạ dày sẽ nằm mơ thấy các thực phẩm thiu thối. Còn tất cả các bệnh tiến triển nhanh như cúm, viêm họng, ngộ độc dạ dày - ruột, viêm ruột thừa cấp tính, viêm đường hô hấp... có thể được “báo mộng” ngay trước hôm bệnh phát rõ ràng.
V.N.Kaxaskin nhấn mạnh: Không có chút gì là huyền bí trong việc giấc mơ có thể phản ánh sự bắt đầu của bệnh tật khá lâu trước khi bác sĩ chữa bệnh thừa nhận có bệnh đó.
Điều này được chứng thực bởi một thực tế là thời hạn tiên đoán của “giấc mộng chẩn bệnh” hầu như trùng hoàn toàn với thời gian của giai đoạn ủ bệnh.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, cho đến nay, người ta chưa tìm ra bất cứ mối liên hệ đáng tin cậy nào giữa một loại giấc mơ với một căn bệnh nhất định. Nói một cách đơn giản hơn thì không phải cứ nằm mơ thấy bị siết cổ thì có nghĩa là sẽ bị bệnh tim, hay mơ thấy bị trói là bị khớp.
Vì vậy, cũng không nên quá lo lắng chỉ vì một giấc mơ. Chỉ trong trường hợp một giấc mơ diễn đi diễn lại nhiều lần kèm theo các dấu hiệu khác thì mới cần đi khám.
Theo Huy Hoàng
Sức khỏe & Đời sống/People and Time