Ảnh: Sức khỏe và Đời sống. |
"Chỉ số cảm xúc" (emotional quotien, hay EQ) của trẻ đang được sử dụng nhiều và được coi là chỉ số báo hiệu đáng tin cậy nhất cho sự thành công trong tương lai của trẻ.
Ngày nay, các chuyên gia tâm lý và giáo dục cho rằng, ngoài thành tích học tập ở nhà trường, để thành công trong cuộc đời sau này, trẻ còn phải là con người lạc quan, tự tin và đó cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của giáo dục gia đình.
Đánh giá "chỉ số cảm xúc" (EQ) của trẻ đang được sử dụng nhiều và được coi là chỉ số báo hiệu đáng tin cậy nhất cho sự thành công trong tương lai của trẻ. Những chỉ số này dự báo trẻ có những phẩm chất để tự hoàn thiện và ý chí phấn đấu để đạt được những mục tiêu trong đời hay không.
Tác giả của phương pháp trắc nghiệm cảm xúc này là Daniel Goleman với tác phẩm có tên là "Thông tuệ về cảm xúc: Tại sao lại có ý nghĩa hơn chỉ số thông minh" đã chứng minh rằng "những trẻ biết đánh giá bản thân, hiểu tâm lý của những người xung quanh, biết thích nghi với hoàn cảnh, linh hoạt, tự tin là những trẻ dễ thành đạt".
Chỉ số cảm xúc càng cao thì trẻ càng được trang bị tốt hơn để ứng phó với những trạng thái tâm lý của mình, những lựa chọn khó khăn trong đời sống hay trong học tập và sau này với những hoàn cảnh không thuận lợi trong công việc.
Tại sao lại như vậy? Vì hiểu biết khoa học còn dễ dạy hơn kỹ năng làm người. Những trẻ có chỉ số cảm xúc cao, biết ứng xử tốt hơn trong các mối quan hệ ở nhà trường và xã hội, do đó thành công hơn. Như vậy là dạy cho trẻ biết xử lý một cách có kết quả những cảm xúc của chính mình và của những người khác đem lại cho trẻ một phương tiện cần thiết để phát triển và làm phong phú thêm trong cuộc đời hoạt động của chúng sau này.
Tiến sĩ Maurice Elias, đồng tác giả của tác phẩm "Thông tuệ về cảm xúc của các bậc cha mẹ: Làm thế nào để xây dựng ý thức kỷ luật với bản thân, ý thức trách nhiệm, kỹ năng xã hội cho trẻ?" đã đưa ra một bộ câu hỏi trắc nghiệm đơn giản có thể giúp đánh giá chỉ số cảm xúc của trẻ và của chính cha mẹ.
Bạn hãy trả lời những câu hỏi sau đây và cho điểm:
Điểm 1: Hiếm hoặc không đúng.
Điểm 2: Đôi khi hoặc gần đúng.
Điểm 3: Thường xảy ra hoặc hoàn toàn đúng.
Những câu hỏi dành cho trẻ:
- Trẻ có dễ dàng nói về cảm xúc của mình không?
- Trẻ có biết nhiều từ để mô tả cảm xúc của mình?
- Trẻ có khả năng thông cảm với người khác không?
- Trẻ có thái độ lạc quan không?
- Trẻ có kiên nhẫn chờ đợi một người nào đó mà trẻ đang cần gặp không?
- Trẻ có mục tiêu phù hợp với lứa tuổi và một vài ý nghĩ để đạt được những mục tiêu đó không?
- Trẻ có biết giải quyết khó khăn một cách độc lập không?
- Trẻ có chăm chú nghe không?
- Trẻ có biết đang cần gì và biết yêu cầu như thế nào không?
- Trẻ có biết sống hoà hợp trong nhóm bạn cùng lứa không?
Những câu hỏi cho cha mẹ:
- Bạn có cảm xúc như thế nào trong phần lớn thời gian của bạn không (vui, buồn, chán nản, hận thù, đố kỵ...)?
- Bạn có thử hiểu quan điểm của người khác ngay cả khi đang tranh luận không?
- Bạn có cách nhìn lạc quan và tin tưởng vào cuộc đời không?
- Bạn có thường xuyên chia sẻ cảm xúc của mình với người khác không?
- Bạn có kiểm soát được tính khí của bạn ngay cả khi căng thẳng không?
- Bạn có mục tiêu và kế hoạch để hoàn thành những mục tiêu đó không?
- Bạn có biết chăm chú nghe như thế nào và nhắc lại được những điều vừa nói không?
- Bạn có cân nhắc mọi khả năng trước khi đi đến quyết định không?
- Bạn có biết cần phải suy nghĩ về những nhu cầu của mình như thế nào và thực hiện những nhu cầu đó không?
- Bạn có thời gian để vui đùa với những người bạn yêu mến không?
Cộng điểm: Tổng số điểm có thể áp dụng cho cả bạn và con bạn.
25 điểm trở lên: Chỉ số cảm xúc thuộc loại ưu. Thông tuệ cảm xúc như vậy làm tươi sáng cuộc sống của bản thân và của cả những người xung quanh. Hãy cố gắng duy trì lối sống đó.
16 - 24: Cũng tốt nhưng đừng dừng lại và thỏa mãn, hãy cố gắng để hoàn thiện mình.
10 - 15: Đáng phàn nàn, cần rèn luyện để nâng cao chỉ số cảm xúc của mình.
(BS Hồng Anh, Sức khỏe và Đời sống)