Tại sao những người giống nhau thường kết bạn với nhau? Còn những cặp vợ chồng thì trông na ná như anh em?
Chúng ta thường đặt niềm tin vào những người có nét mặt phảng phất giống mình, chẳng hạn cái miệng hay độ rộng của mũi, một nghiên cứu mới vừa cho biết. Điều này giải thích vì sao những người giống nhau thường kết bạn với nhau, còn những cặp vợ chồng thì trông na ná như anh em.
Bà Lisa DeBruine của Đại học McMaster (Canada) đã thực hiện một phân tích tâm lý để nghiên cứu mức độ tin tưởng lên những người hoàn toàn lạ mặt. Họ sẽ được chiêm ngưỡng một số bức chân dung mà họ không biết rằng bức chân dung kia đôi khi bị thay đổi, và bổ sung vào đó những nét của chính họ.Sau đó những người tham gia sẽ chơi trò chơi chia bánh cho những người họ được nhìn thấy qua bức chân dung. Bà DeBruine nhận thấy, một cách vô tình, người tham gia sẽ hào phóng hơn với đối phương nếu người này khá giống họ. Ngược lại, họ sẽ ích kỷ hơn nhiều nếu "bên kia" chẳng có điểm Gì chung.
Một nghiên cứu khác do các nhà tâm lý học ở Đại học Andrews (Scotland) tiến hành với những sinh viên bằng cách cho họ xem những bức ảnh trong đó có ảnh của chính mình nhưng đã được "chế biến" thành ảnh người khác giới tính. Kết quả, các bức ảnh "chuyển giới" này gây cho họ ấn tượng hơn cả, dù họ không nhận ra đó là chính mình.
Nhà tâm lý David Perrett, người hướng dẫn thí nghiệm, tin rằng những sinh viên trên không phải là những kẻ tự yêu mình thái quá. Kết quả nghiên cứu này cho rằng con người có xu hướng thích chọn bạn đời có khuôn mặt giống mình hoặc giống cha hoặc mẹ mình.
Bà DeBruine cho biết kết quả này phản ánh tính gia đình về mặt sinh học, tức là bẩm sinh người ta đã có xu hướng dành thiện cảm cho những người lạ mặt có khả năng là họ hàng xa. Cũng theo bà, phát hiện này là sự ủng hộ đối với một vài giả thuyết tiến hóa, cho rằng con người, giống như một số loài động vật khác, được lập trình về mặt sinh học để có thể nhận ra những dấu hiệu bên ngoài, chỉ thị cho mối quan hệ gần gũi về mặt di truyền.