Chỉ cần 30 phút tranh luận căng thẳng cũng đủ làm cho thời gian hàn gắn vết thương dài thêm một ngày.
"Làm lành vết thương là một quá trình nhạy cảm", tiến sĩ Jan Kiecolt-Glaser, Đại học Ohio State, khẳng định. Trong nghiên cứu của Glaser trên 42 cặp vợ chồng, vết thương ở những cặp xung khắc lành chậm hơn 40% so với những đôi hòa thuận.
Các cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu đã sống với nhau ít nhất là 12 năm. Mỗi cặp tới trung tâm nghiên cứu của Glaser hai lần, mỗi lần trong khoảng 24 giờ và cách nhau hai tháng. Trong mỗi lần tới, họ tham gia vào một thử nghiệm, trong đó mỗi người được gắn một thiết bị mút nhỏ tạo nên 8 nốt phồng giộp bé trên cánh tay. Phần da trên các nốt được lấy đi và tại đó, người ta gắn một thiết bị tạo thành bọc như bong bóng bảo vệ và lấy ra các chất dịch mà cơ thể tiết ra tại vết thương. Trong khi đó, họ được kiểm tra máu và tìm hiểu mức độ stress lúc bắt đầu nghiên cứu.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên, mỗi cặp nói chuyện với nhau trong 30 phút về một số đặc điểm và cách cư xử mà họ muốn thay đổi. Đây là cuộc thảo luận mang tính xây dựng và tích cực. Sang đến lần thứ 2, không khí nói chuyện căng thẳng hơn, xoay quanh một số quan điểm bất đồng giữa hai vợ chồng. Cuộc trò chuyện này đã kích thích các cảm giác mạnh.
Kết quả phân tích cho thấy tốc độ lành vết thương sau lần cãi vã chậm hơn 1 ngày so với cuộc nói chuyện tích cực ban đầu. Mức độ lành vết thương ở những cặp xung khắc chỉ bằng 60% so với nhóm hòa thuận. Máu của các đôi mâu thuẫn cũng có nhiều khác biệt, trong đó đáng chú ý là lượng interleukin-6 (IL-6) - một chất miễn dịch quan trọng có nhiệm vụ kiểm soát sự hàn gắn vết thương - tăng lên. Quá nhiều IL-6 có thể dẫn tới tình trạng viêm, và liên quan tới một loạt các bệnh tuổi già như tim mạch và viêm khớp.
Nghiên cứu cho thấy các bệnh viện cần cố gắng giảm stress cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật, nhằm rút ngắn thời gian nằm viện và chi phí đi kèm.
Mỹ Linh (theo BBC)