Những ngày sau sinh, mọi người trong gia đình thường rất hạnh phúc với sự có mặt của một thành viên mới, nhất là với những người mẹ sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, giai đoạn sau sinh cũng là thời gian dễ phát triển những rối nhiễu tình cảm và tâm lý, do đó nhiều bà mẹ sau sinh đã rơi vào tình trạng trầm cảm ở những mức độ khác nhau trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Giai đoạn cuối của thời kỳ thai nghén và chính sự sinh đẻ có thể là nguyên nhân của những rối nhiễu khi cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt về nội tiết. Trong những ngày đầu sau sinh, người phụ nữ thường phải chịu nhiều đau đớn, khó chịu, lại phải thường xuyên chăm sóc con, đêm không được ngủ yên giấc; mối quan hệ với chồng cũng thay đổi, đặc biệt là sau sinh đứa con đầu lòng... Do đó, nếu không nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của thầy thuốc, gia đình và xóm giềng, người phụ nữ có thể bị một trong 3 kiểu rối nhiễu tâm lý sau sinh như sau:
Bệnh buồn
Đó là những rối loạn tính tình nhẹ, thể hiện sự bất ổn về tình cảm (tự nhiên có lúc khóc vô cớ, mất ngủ, vui quá mức, lo hãi, nhức đầu, hay cáu gắt...). Bệnh thường xảy ra trong tuần đầu sau sinh, kéo dài từ vài tiếng đồng hồ cho đến 10 ngày rồi tự nhiên khỏi. Vì bệnh buồn sau sinh hay xảy ra (30-70%) nên đôi khi được coi là sự cố sinh lý bình thường. Người ta cho rằng những thay đổi sinh học trong tuần đầu sau sinh là nguyên nhân gây ra bệnh này.
Trầm cảm
Là trạng thái trầm cảm kéo dài hơn với những biểu hiện về tình cảm: người phụ nữ trong tình trạng âu sầu, trầm cảm, khó chịu. Có thể có những biểu hiện về nhận thức và đời sống như mất ngủ, không muốn ăn, rối loạn về khả năng tập trung, mất ham muốn tình dục. Trầm cảm sau sinh không phải là một loại trầm cảm đặc biệt nhưng với một số phụ nữ thì hoàn cảnh đặc biệt sau sinh, phối hợp với chức năng làm mẹ có vai trò trong sự phát sinh bệnh. Rối loạn chức năng của tuyến giáp trạng sau sinh cũng có thể là một yếu tố góp phần. Tỷ lệ trầm cảm sau sinh nặng khoảng 6% và giai đoạn dễ bị trầm cảm nhất là từ tuần thứ 8 cho đến tuần 20.
Việc điều trị có thể gồm tâm lý liệu pháp cùng các thuốc chống trầm cảm và không có gì khác so với việc điều trị trầm cảm nói chung. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng nếu có sự hỗ trợ, chăm sóc của người thân thì tỷ lệ những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh giảm nhiều. Để phòng ngừa trầm cảm thì việc hỗ trợ tâm lý cho người phụ nữ chuyển dạ xem ra cũng quan trọng. Một nghiên cứu về sự có mặt của người chồng trong lúc người vợ chuyển dạ cho thấy tỷ lệ trầm cảm và lo sợ 6 tuần sau sinh thấp hơn.
Rối nhiễu tâm thần
Là một bệnh nghiêm trọng hơn nhiều, cần phân biệt với cả hai trạng thái trầm cảm nói trên. Bệnh này có tỷ lệ khoảng 0,1-0,2% tổng số phụ nữ sau khi sinh. Những triệu chứng thường bắt đầu vào cuối tuần thứ nhất, đôi khi vào tuần thứ hai sau sinh nhưng ít khi muộn hơn. Người phụ nữ tỏ ra sợ hãi, bứt rứt, đôi khi cuồng với những ý nghĩ hoang tưởng hoặc ảo giác. Bệnh nhân phản ứng một cách không bình thường với cả người thân trong gia đình. Dần dần càng bộc lộ rõ có rối nhiễu tâm thần và nhân cách của người bệnh, có thể trở nên nguy hiểm cho chính bệnh nhân và trẻ sơ sinh. Trường hợp này, nên đưa bệnh nhân vào điều trị tại khoa tâm thần hoặc bệnh viện và nên cùng với con. Bệnh rối nhiễu tâm thần như thế không thể phân biệt được với các bệnh rối nhiễu tâm thần khác, tuy nhiên thời điểm bệnh bộc lộ ra rõ ràng là không trùng hợp. Điều này có thể khẳng định được nhờ thực tế cũng người phụ nữ ấy ở kỳ thai nghén sau lại càng có nhiều nguy cơ tái phát rối nhiễu tâm thần sau sinh. Những phụ nữ này cũng tăng nguy cơ bị rối nhiễu tâm thần trong các hoàn cảnh nhiều stress khác.
Nhiệm vụ của người chăm sóc là cảnh giác và chẩn đoán kịp thời; cần quan tâm đến tiền sử bị rối nhiễu tâm thần của người phụ nữ để đề phòng những bệnh có thể xảy ra. Khi đã có những dấu hiệu rõ ràng của bệnh rối nhiễu tâm thần thì cần đưa bệnh nhân đi bệnh viện hoặc phòng khám để được hỗ trợ và điều trị