Những phiền muộn, lo lắng trong giai đoạn bầu bí thường bị bỏ qua hoặc không được điều trị triệt để sẽ đặt cả mẹ và bé vào một số nguy cơ như đẻ non hay bé bị nhẹ cân
Đây là hệ quả tất yếu do tình trạng lo lắng, phiền muộn đã khiến thai phụ giảm nhu cầu thèm ăn uống, ít được nghỉ ngơi đầy đủ cũng như không ý thức được việc chăm sóc bản thân...
Tuy nhiên, theo TS. Heather Flynn, chuyên gia tâm lý của ĐH Michigan, vấn đề chính là thai phụ không thể nhận ra rằng họ đang lo lắng, buồn phiền hay những xúc cảm đó là không bình thường trong giai đoạn thai nghén. Họ nghĩ rằng đó là do họ mệt mỏi, thiếu ngủ và một số vấn đề khác thường gặp khi mang thai. Những người khác lại nghi ngờ rằng mình mắc bệnh nhưng lại không tin rằng đây là giai đoạn thích hợp để điều trị trong khi thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên General Hospital Psychiatry, bà Flynn và các cộng sự đã khảo sát hơn 1.800 thai phụ tại các phòng khám sản phụ khoa thì có 17% (276 trường hợp) được xác định là bị rối loạn tâm lý và 23% từng có tiền sử bị rối loạn tâm lý mà có nguy cơ bị tái lại bất kỳ lúc nào trong quá trình mang thai. 2/3 trong số những thai phụ bị rối loạn tâm lý chưa bao giờ được điều trị bằng thuốc hay một liệu pháp tâm lý cụ thể.
Ở 33% còn lại thì thường uống thuốc chống thuốc chống suy nhược thần kinh với chu trình trị liệu thường ít nhất là 6 tuần.
Các nhà nghiên cứu cho biết khi tiến hành khảo sát, đa số các bà bầu bị rối loạn tâm lý cho rằng những triệu chứng lo âu, buồn phiền là rất thông thường trong thời kỳ thai nghén.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng dưới đây kéo dài trên 2 tuần hoặc có biểu hiện tăng nặng thì cần phải điều trị:
- Cảm thấy lo âu
- Giảm hứng thú, quan tâm tới mọi hoạt động
- Không thấy ngon miệng, thèm ăn
- Thay đổi thói quen ngủ
- Mệt nhọc, giảm sút sức lực
- Khó tập trung
- Cảm thấy chán chính mình
- Nghĩ đến tự tử
- Hay bồn chồn