Một nghiên cứu mới của Đại học Y Minnesota (Mỹ) cho thấy những nụ hôn sâu là yếu tố duy nhất làm tăng nguy cơ mắc bệnh Mono (bệnh bạch cầu đơn nhân), hay còn gọi là “bệnh của những nụ hôn”.
Bệnh mono do virus Epstein–Barr gây ra, thường lây qua đường nước bọt khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan trong quá trình ho, hắt hơi hoặc dùng chung đồ ăn.
Rất nhiều người phơi nhiễm virus Epstein-Barr trước tuổi trưởng thành nên hệ miễn dịch đã kịp phát triển để đáp ứng và chống lại chúng. Triệu chứng của bệnh bao gồm đau họng nặng, mệt mỏi, đau đầu, sốt cao, chán ăn, sưng a-mi-đan. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh Mono nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu dựa trên 546 sinh viên từ năm 1 đến năm cuối. Trước khi bắt đầu, các sinh viên được yêu cầu tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể chống virus Epstein–Barr trong cơ thể họ.
Kết quả cho thấy khoảng 63% số sinh viên phản ứng dương tính với các kháng thể, điều này có nghĩa họ đã từng mắc bệnh Mono. Số sinh viên còn lại, gồm 143 người, được yêu cầu đến phòng khám đại học kiểm tra 8 tuần/lần trong suốt 3 năm. Đồng thời, các bác sĩ cũng tiến hành chẩn bệnh cho 66 sinh viên mắc bệnh Mono. Trong số này, có 59 người xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng bệnh của những sinh viên bị Mono chỉ kéo dài khoảng 17 ngày, tuy nhiên, virus trong cơ thể họ có khả năng lây sang cơ thể người khác trong vòng 5 tháng.
Tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn ở sinh viên năm thứ nhất (26/100 trường hợp mỗi năm), so với sinh viên thuộc 3 năm còn lại (10/100 trường hợp mỗi năm).
Những sinh viên tham gia nghiên cứu có thói quen hôn sâu có tỷ lệ phát triển bệnh Mono cao hơn các sinh viên không hôn. Kết quả đúng ở cả những người có hôn sâu trong lúc quan hệ tình dục và những người không “quan hệ”.
Các yếu tố khác như chế độ ăn của sinh viên, tập luyện, mức độ stress đều không làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm.