Cha mẹ ly hôn hoặc ly thân là điều ngoài ý muốn của mọi gia đình. Thế nhưng, từ năm 2008 trở lại đây, án ly hôn mỗi năm tăng trung bình hơn 10.000 vụ. Không có con số cho biết đã có bao nhiêu đứa trẻ bị ảnh hưởng từ chuyện này. Chỉ biết chắc, sự chia tay của cha mẹ sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của trẻ
Phản ứng của trẻ
Trải qua cuộc ly hôn hay ly thân là thời gian rất khó khăn cho gia đình. Phản ứng của trẻ tuỳ thuộc nhiều yếu tố: tuổi, tính khí của trẻ, cách vận hành của gia đình trước khi chia tay.
Cách phản ứng của trẻ sẽ tuỳ lứa tuổi. Trẻ dưới năm tuổi có thể đau khổ, buồn hoặc cáu gắt, thường có rối loạn hành vi, chẳng hạn có thể "hành động như một em bé" (được gọi là sự thoái lùi). Ở tuổi đi học (trên năm tuổi), trẻ có thể bị trầm cảm hoặc giận dữ. Đa số trẻ trông đợi chuyện ly hôn của cha mẹ sẽ không xảy ra. Có trẻ cảm thấy tội lỗi, hoặc cố bảo vệ cha mẹ bằng cách tự trách mình. Rối loạn hành vi hoặc triệu chứng bệnh lý (tiểu dầm, khó ngủ, chán ăn) có thể là phương cách để cố giữ cha mẹ chung sống với nhau.
Với trẻ vị thành niên, phản ứng thường thấy là thái độ giận dữ. Trẻ có thể gây xung đột ở nhà, học kém ở trường, nghiện ma tuý, rượu và gặp những vấn đề hành vi khác như bạo lực, tự sát...
Cha mẹ cần tập trung chú ý phản ứng của trẻ trong thời gian đau buồn và căng thẳng này. Điều quan trọng là tránh đặt trẻ giữa các xung đột của người lớn. Cha mẹ cũng nên cho phép trẻ tiếp xúc với cả cha lẫn mẹ.
Hậu quả lâu dài của ly hôn trên trẻ
Ly hôn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho trẻ. Một số cảm thấy đau khổ và không hài lòng với đời sống gia đình trong các năm sau ly hôn. Ở tuổi trưởng thành, vài trẻ miễn cưỡng thiết lập mối quan hệ thân thiện với người khác vì sợ lặp lại tình trạng như cha mẹ. Tuy nhiên, số khác có thể thích nghi tốt với việc ly hôn. Mặc dù ly hôn là điều đáng buồn, một số trẻ thấy điều đó vẫn tốt hơn là sống với các xung đột xảy ra hàng ngày. Phản ứng của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến sự đáp ứng của trẻ.
Giúp trẻ thích ứng với đời sống gia đình sau ly hôn
Sự chia ly lúc đầu là thời gian khó khăn nhất cho trẻ cũng như cha mẹ. Mọi người trong gia đình đều cảm thấy mất mát, buồn đau, giận dữ.
Cha mẹ cố gắng giúp trẻ tiếp tục các sinh hoạt bình thường như đi học và chơi với bạn. Cho phép trẻ biểu lộ cảm xúc. Cho trẻ biết ly hôn không do lỗi của trẻ, và con cái không thể làm gì để cha mẹ có thể chung sống trở lại. Cha mẹ cũng hãy chăm lo sức khoẻ bản thân, và có các sinh hoạt với bạn bè và đại gia đình. Không chỉ trích hoặc than trách chồng hoặc vợ trước mặt con. Dù giận dữ mấy, cũng không nên sỉ nhục người kia hoặc kéo trẻ về phía mình. Điều tốt nhất cần làm là giúp trẻ thích ứng bằng cách cho phép trẻ tiếp xúc và tránh xung đột với người chồng hoặc vợ cũ. Anh chị em và các thành viên khác trong gia đình là nguồn nâng đỡ quan trọng cho trẻ.
Nên nhớ ly hôn là một quá trình tiếp diễn. Khi trẻ lớn lên, ảnh hưởng của tình trạng gia đình sẽ thay đổi. Nếu cần, bạn có thể tìm đến một chuyên viên tâm lý để nhờ tư vấn cho bạn và trẻ.