Dạo này, anh thường hay lảng tránh gần gũi với vợ, dù tình cảm dành cho nàng thì vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Nguyên cớ ư? Thật khó nói - mỗi lần "lâm trận", anh luôn là kẻ thất bại ê chề
Cái thể diện đàn ông qua sự "yếu - khoẻ" này có lẽ là cao lắm. Người ta có thể nhận mình AIDS nhưng khó mà cậy miệng công khai "tôi hơi yếu". Phải thế mà ngay cả trong các bệnh viện cũng chưa có khoa nào mang tên "Yếu sinh lý"?
Sự "yếu" này được mô tả bằng nhiều tên khác nhau, như rối loạn cương, liệt dương, bất lực.. , nhưng bản chất chung thì chỉ có một: chàng không thể lên "phong độ" đúng lúc hoặc không đủ độ mạnh mẽ, khéo léo cần thiết.
Bất lực do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự bất lực ở đàn ông, bao gồm các yếu tố sinh lý, tổn thưởng, tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh khác và cả do yếu tố tâm lý nữa.
Các bệnh – bao gồm tiểu đường, bệnh thận, nghiện rượu kinh niên, viêm đa dây thần kinh, xơ cứng động mạch, và các bệnh tim mạch khác - chiếm không 70% các trường hợp bị bất lực. Ngoài ra, bất lực còn là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, như thuốc hạ huyết áp, kháng hista-mine, kích thích, an thần, giảm thèm ăn…
10-20% trường hợp bất lực còn lại là do yếu tố tâm lý gây ra. Những yếu tố này bao gồm: stress, lo âu, cảm giác tội lỗi, trầm cảm, tự ti và sợ thất bại trong quan hệ tình dục.
Hút thuốc và tình trạng thiếu hooc-môn sinh dục nam – testosterone cũng có thể dẫn đến bất lực.
Tôi có "yếu" không?
Hãy theo dõi và thống kê những lần "thất trận" liên tục của bạn trong thời gian gần nhất. Nếu tình trạng này chỉ đôi lúc xuất hiện và nhanh chóng được khắc phục, thì có thể là bạn chỉ bị bất lực tạm thời. Còn nếu kéo dài quá 3 tháng, bạn nên đi gặp bác sĩ.
Đa số đàn ông đều mặc cảm về chuyện này và thường nghiêm trọng hoá thành việc "thiếu bản lĩnh đàn ông". Vì lý do đó, ít người đủ "dạn dĩ" để đến hỏi bác sĩ. Tuy nhiên, trong lòng những khổ chủ này luôn canh cánh cảm giác bất an. Bất an về vai trò của kẻ mạnh đã mất (theo họ nghĩ), và bất an vì lo lắng vợ hay người tình đi kiếm… kẻ mạnh khác.
Cũng có nhiều phụ nữ đã "dứt khoát" biến nỗi bất an ấy thành sự thật - dứt áo ra đi, gia đình tan nát, nhưng đa số âm thầm, nén lòng chịu đựng với những cái thở dài, những lượt trở mình trằn trọc, Hoá ra chuyện ấy cũng quan trọng chứ chẳng phải chơi.
Bất lực có chữa được không?
Tin vui đối với quý ông (dĩ nhiên cả với quý bà) là bất lực có thể chữa trị được. Các biện pháp điều trị bao gồm: liệu pháp tâm lý, bằng thuốc, dùng thiết bị hút chân không và giải phẫu.
Ở Việt nam, phổ biến nhất có lẽ là cách dùng thuốc (như Viagra, Levitra, Cialis). Chúng không phải là những chất kích dục, nghĩa là khi uống vào chúng không tạo nên hứng thú yêu đương cho bạn. Chúng chỉ là những chất giúp cân bằng các chất sinh học xuất hiện ở dương vật khi có hưng phấn tình dục.
Sự cân bằng này làm các cơ trơn giãn ra và đưa máu dồn về dương vật, tạo và duy trì sự cương cứng. Nhưng nhớ là nếu bạn không có ham muốn thì thuốc này cũng chẳng… "phất cờ" nổi đâu.
Tuy nhiên, dù là biện pháp nào thì bạn cũng phải có những thay đổi về lối sống (như năng tập thể dục, tham gia hoạt động xã hội…) và chế độ ăn (tăng cường các thức ăn có lợi cho tim mạch: giàu chất xơ, giảm chất béo bão hoà và sodium…). Dĩ nhiên là bạn phải... tin vào chính mình nữa. Có như vậy thì mới hy vọng lấy lại được bản lĩnh đàn ông!
Hơn lúc nào hết, người phụ nữ lúc này cũng cần khéo léo, tế nhị để khỏi làm anh ấy "mất mặt", càng tuyệt đối không nên nói bóng gió, so sánh với một người đàn ông khác. Bạn nên cùng người đàn ông của mình tìm cách giải quyết rắc rối, bởi đó không chỉ là chuyện riêng của anh ấy mà là của cả lứa đôi, và là nhân tố đảm bảo hạnh phúc mái ấm gia đình.
Theo Cẩm Nang Mua Sắm
--------------------------------------------------