Cùng với người anh em là tỏi, củ hành đã tả xung hữu đột để bảo vệ và chăm sóc cho sức khỏe của con người suốt hơn 6.000 năm. Củ hành được trọng dùng từ Đông sang Tây.
Người ta cho rằng củ hành được dùng để bồi bổ và tăng sự tráng kiện cho những thợ xây Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, tư lệnh S. Grant đã dùng củ hành để chữa chứng bệnh lỵ (dysentery) cho các binh sĩ của ông. Ngày nay, củ hành vẫn được dùng phổ biến để giúp lợi tiểu, hạ huyết áp, ho, bổ tim và thậm chí dùng để gia tăng khả năng "yêu".
Trong vô số thí nghiệm, củ hành đã chứng tỏ là một dược phẩm thiên nhiên kỳ diệu, đặc biệt là vô cùng có lợi cho quả tim. Một nghiên cứu tại Ấn Độ từ thập niên 60 đã chứng minh rằng ăn củ hành sẽ giúp làm giảm cholesterol toàn phần, thậm chí đối với những người trong khẩu phần có nhiều chất béo. Một nghiên cứu khác của GS-TS Vitor Gurewich tại ĐH Y khoa Tufts (Mỹ) đã kết luận rằng lượng cholesterol "tốt" sẽ tăng khoảng 30% ở những bệnh nhân tim mạch nếu được ăn một nửa củ hành (kích cỡ trung bình) mỗi ngày. Ông cùng các cộng sự cũng nhận thấy rằng củ hành có tác dụng như một chất chống đông máu, nhờ đó có thể "hóa giải" những cục máu đông vốn có thể cản đường đi của ôxy tới não và các cơ.
Trong y học cổ truyền của nhiều nước, củ hành dùng để hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh được công dụng này của củ hành là có thật, do chúng có chứa những hợp chất có tác dụng làm hạ nồng độ đường huyết.
Củ hành cũng được dùng như một chất kháng sinh có khả năng "phế võ công" của một số vi trùng gây ra các loại bệnh. Đó cũng là lý do vì sao hành được dùng rộng rãi trong việc chữa trị các chứng cảm, cúm.
Mỗi ngày nếu ăn được nửa chén hành sống thì trái tim cũng đỡ bị... hành, dĩ nhiên là không hề dễ nuốt. Hành sống có tác dụng làm tăng lượng cholesterol tốt. Để ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông sau những bữa ăn "nặng" thì một vài muỗng hành (sống hoặc nấu chín) cũng có thể làm giảm bớt lụy phiền.
--------------------------------------------------