Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực giới tính được rất nhiều người quan tâm. NHững kiến thức cần thiết về SỨC KHỎE SINH SẢN, TÌNH DỤC AN TOÀN trong mục GIỚI TÍNH của Webphunu.net sẽ giúp bạn có một hành trang vững vàng trong cuộc sống.
Nếu bạn cũng đang thắc mắc về chúng, hãy tham khảo thông tin của chúng tôi:
Kích cỡ "cậu nhỏ": Thắc mắc của mọi thắc mắc
Sinh thời, trong những bài viết về lĩnh vực “thắc mắc biết hỏi ai” mà ông phụ trách, BS Trần Bồng Sơn vẫn nói rằng, câu hỏi về “tầm cỡ” của bộ phận giới tính của đàn ông vẫn là thắc mắc của mọi thắc mắc, huyền thoại của mọi huyền thoại. Đến mức, BS David Reuben-tác giả cuốn sách về tình dục bán chạy nhất trong lịch sử (xuất bản vào năm 1966 và phải in thêm hàng tháng) đã coi đó như câu hỏi của... thế kỷ.
Không chỉ có thắc mắc thì mới có trả lời, hầu hết những bài báo viết về sức khỏe giới tính của nam giới cũng chủ yếu đề cập đến tầm vóc của người đàn ông trọng điểm này.
Trong khi đó, có thể coi là một hiện tượng thú vị, hầu như không bao giờ người ta đọc được một câu hỏi nào về kích thước của bộ phận giới tính của phụ nữ (cũng như chẳng bao giờ phụ nữ băn khoăn về tầm cỡ cái đó của chồng mình).
Vì những lý do trên và một vài lý do khác nữa, các bác sĩ xếp nỗi lo lắng kích cỡ vào loại “nỗi lo âu hoang đường nhất thế giới”!
Tới đỉnh hay không tới đỉnh
“Không biết cô ấy có đạt đến cơn cực khoái cùng lúc với tôi không?”, “ Sao tôi chưa lần nào có được cảm giác nhức nhối ngất trời, nổ tung cơ thể, bủn rủn châu thân như thế cả?”
Cụm từ Như thế cả mà người hỏi đề cập tới, là những cảnh lên tới đỉnh trong các “văn hóa phẩm đặc biệt”, mà đa phần là coi trong phim sex!
Trong khi đó, theo trả lời của các bác sĩ, thì chuyện cực khoái đồng thời thường chỉ là đích muốn vươn đến hoặc ước mơ của mọi người chứ ít khi xảy ra, và lại càng không phải là chuyện bắt buộc phải đạt tới. Tốt nhất là cứ yên trí với việc “làm tới đâu hưởng tới đó”, bằng lòng với việc khi anh khi chị, đừng đòi hỏi quá mà mất vui.
Chỉ có điều chắc chắc là tình dục liên quan mật thiết đến văn hóa. Ở đâu chuyện tình dục càng được tự do, thoát khỏi nhiều mối ràng buộc không đáng có thì ở đó, tỷ lệ nữ giới đạt đến “đỉnh” càng cao và càng nhiều.
Mạnh- yếu: Làm sao với trên bảo dưới làm ngơ?
Từng có thời đểm, vấn đề này rộ lên, qua mặt cả chuyện kích cỡ, đó là năm Viagra ra đời, được coi như viên thuốc uống đầu tiên có thể điều trị hữu hiệu rối loạn cương dương ở đàn ông. Tin vui này lớn đến mức, chúng khiến cho mọi quý ông đều lạc quan hồ hởi, thế là từ nay vĩnh biệt chuyện trên bảo dưới làm thinh. Có trục trặc gì, một viên, thế là xong!
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Thuốc chỉ có tác dụng với đúng đối tượng của nó, thứ nữa là giá quá đắt, lại mua ở thị trường trôi nổi, thật giả khó phân. Bởi vậy, các ông lại quay về làm rộn bác sĩ với vấn đề “trên bảo dưới làm lơ” của mình.
Mất hay còn? “Dính chưởng” hay chưa?
Câu hỏi này thường xuất hiện nhiều nhất ở các tờ báo dành cho tuổi học trò, được chính phe nữ viết thư gửi đến.
Mẫu câu quen thuộc: “Bọn em/anh ấy mới chỉ như vậy... như vậy... thì em có bị mất trinh không? Có bị có thai không?”. Nghe miêu tả thì thường mới loanh quanh ngoài cổng, chưa đột nhập vào nhà, nhưng khi nghe lời bác sĩ đi thử thai, khám thai thì gần như 100% “dính chưởng”.
Những cuộc điều tra xã hội học về hành vi và thói quen tình dục của người Việt Nam do Durex tiến hành cho thấy, lần quan hệ tình dục đầu tiên của người Việt đến ngày càng sớm, thường ở độ tuổi phổ thông trung học. Nhưng hiểu biết của các bạn về an toàn tình dục thì hầu như không có gì, hoàn toàn lờ mờ hoặc sai lạc.
Trong tình trạng “không vẽ đường thì hươu cũng đã chạy tán loạn” như vậy, mà các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh vẫn cứ tránh né trò chuyện với các bạn về “câu chuyện dậy thì” này. Và kết quả là câu hỏi: "Sao bọn em chỉ mới... mà em đã...”, cứ thế mà lặp lại.
Rối loạn giới tính: câu hỏi thời đại
Chỉ bằng quan sát, người ta cũng có thể khẳng định, chưa bao giờ trong lịch sử, người đồng tính luyến ái (nhất là nam) lại xuất hiện nhiều như bây giờ.
Và cùng với nó là những câu hỏi mang theo sự hoang mang về giới tính của mình, cách chữa trị, cách thoát ra khỏi nó, cách giải phẫu chuyển đổi giới tới tấp đổ về các toà soạn.
Đây không còn là vấn đề của y học mà đã trở thành vấn đề của xã hội. Nhiều người thắc mắc đi tìm câu trả lời về mối liên quan nào giữa thời đại mình sống với sự gia tăng đột biến số người đồng tính luyến ái, nhất là nam, như vậy. Gần đây, báo chí đã đăng tải một tin rất ngắn về phát hiện (ở dạng bước đầu) của các nhà khoa học Nhật Bản về mối liên quan giữa khí thải công nghiệp với sự tác động xấu đến cặp nhiễm sắc thể giới tính XY.
Tuy nhiên, câu trả lời còn ở xa và như thế, biện pháp phòng tránh và khắc phục vẫn còn ở xa. Trước mắt, chỉ là công việc của các nhà hoạt động xã hội, ra rả kêu gào về việc tập nhiễm lối sống thiếu lành mạnh, không biết trân trọng, gìn giữ giới tính của mình của thanh niên thời đại.
Tự thỏa mãn: được khuyến khích hay tội lỗi?
Đa phần những người viết thư cho bác sĩ kể về tật thủ dâm của mình đều có thái độ mặc cảm và xấu hổ. Họ luôn thắc mắc: “Em làm như vậy có hại gì không? Có ảnh hưởng gì đến quan hệ với bạn gái sau này không? Làm sao để chấm dứt?”.
Trả lời câu hỏi này có 2 quan điểm phổ biến. Một số bác sĩ bảo “không nên”, sẽ dẫn đến rối loạn cực khoái, vì khi đã trở thành thói quen thì chỉ cảm thấy thõa mãn khi “chính mình thực hiện cho mình” chứ không phải là với người khác phái.
Một số bác sĩ thì bảo “không việc gì”, thậm chí trong thời kỳ bệnh AIDS đang hoành hành như hiện nay thì thủ dâm còn được xem như một loại “tình dục an toàn”. Nói chung là có mâu thuẫn, nhưng tất cả đều thống nhất ở điểm, cái gì cũng phải có chừng mực, không nên lạm dụng.
Tư thế trong quan hệ: “Anh ấy như vậy là hư hỏng phải không?”
Rất nhiều phụ nữ gửi thư đến hỏi bác sĩ, nhưng ngay trong thư thì đã kết luận: “Những kiểu cách kỳ quái, sa đọa đó chắc là ảnh học được trong mấy cuốn phim sex và được bọn gái làng chơi dạy cho!”.
Họ cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí bị hạ nhục, đánh đồng ngang với gái đứng đường khi người chồng muốn “thử nghiệm” một tư thế mới, không giống với những gì là “cổ điển, hợp lẽ tự nhiên và luân lý xã hội” mà lâu nay họ vẫn tiến hành với nhau.
Nhưng thái độ của bác sĩ thì sao? Ngay cả khi bác sĩ nữ trả lời, họ cũng gạt qua thái độ căng thẳng này, mà chỉ nói rằng vợ chồng với nhau, thì không có tư thế nào là hợp đạo đức và tư thế nào là phi đạo đức hết. Nên chiều nhau để đem đến sự mới lạ và niềm hạnh phúc cho cả hai.
(Thậm chí, có nữ bác sĩ còn thẳng thắn “Anh ấy hoàn toàn không bệnh hoạn hay có vấn đề gì trong đòi hỏi này cả. Còn nếu chị cứ giữ rịt lấy ý nghĩ này, thì chị mới là người “có vấn đề”).
tình dục giữ vai trò bao nhiêu phần trăm trong hạnh phúc gia đình?
Câu hỏi này tuyệt đại đa số đến từ nữ giới. Để trả lời, các bác sĩ khó có thể đưa ra một con số tỷ lệ chính xác là bao nhiêu phần trăm. Họ chỉ có thể phân con người ra các loại khí chất khác nhau, mỗi loại khí chất lại có một mức độ đòi hỏi khác nhau và như thế, vấn đề tình dục sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất với nhau ở điểm: nam giới coi trọng tình dục hơn nữ giới, nữ giới coi trọng tình cảm hơn nam giới. Và với đàn ông, thì tỷ lệ mà bạn đọc hỏi thường được trả lời là ở mức 50%. Nghĩa là không có không được.
“Nguội lạnh” sau khi sinh: nỗi sốt ruột của các ông chồng
Khi các bà vợ tỏ ra thờ ơ với chuyện gối chăn sau khi có em bé, những ông bố trẻ mới làm bố lần đầu thường rất hoang mang. Câu hỏi luôn luôn là: “Tại sao cô ấy lại như vậy? Cô ấy không yêu tôi nhiều như trước kia hay có một sự thay đổi nào trong cơ thể cô ấy? Tình trạng này kéo dài bao lâu và tôi có giúp gì được cho cô ấy không?”
--------------------------------------------------