Hàng ngày, các bà mẹ đều rất chú ý tới chế biến những món ăn rất thơm ngon mà con trẻ vẫn không chịu ăn. Nguyên nhân chính là do những thói quen ăn uống xấu của trẻ.
Những thói quen ấy biểu hiện như thế nào? Làm thế nào để khắc phục những thói xấu ấy?
Trẻ em hiện nay, ở nông thôn cũng như thành thị, có hai hiện tượng phân hóa rất rõ rệt, đó là những đứa trẻ hoặc là gầy như que củi, hoặc béo phục phịch.
Người ta truy tìm nguyên nhân thấy, ngoài các yếu tố bệnh tật và di truyền ra, còn một nguyên nhân quan trọng nữa đó là thói quen ăn uống xấu ở trẻ mà trong đó rõ nhất là biểu hiện kén ăn và ăn thiên lệch.
Thế nào gọi là kén ăn và ăn thiên lệch?
Nói chung việc chọn lựa món ăn là rất thường gặp, về mỗi người đều có khẩu vị và sở thích riêng. Song xét về góc độ dinh dưỡng học, nếu trẻ em có các biểu hiện sau thì coi là kén ăn và ăn thiên lệch:
1. Trong thực đơn của trẻ thiếu một hoặc một nhóm thức ăn trở lên, hoặc một nhóm nào đó, thậm chí nhiều nhóm thức ăn hấp thụ quá ít. Ví dụ không ăn rau xanh hoặc ăn rất ít, không ăn hoa quả hoặc ăn rất ít.
2. Các loại thức ăn hấp thụ vào cơ thể quá ít. Hàng ngày không đạt yêu cầu 15 loại thức ăn.
3. Ăn kén chọn hoặc ăn theo sở thích một lượng lớn loại thức ăn nào đó, như thức ăn ngọt, thức ăn đóng gói nhỏ hoặc các loại nước có gas, tật xấu, ảnh hưởng tới các bữa ăn chính.
Ăn thiên lệch và kén ăn biểu hiện cụ thể như không thích uống sữa, không thích ăn rau xanh, không thích ăn món ăn tanh, không thích ăn hoa quả chỉ thích ăn vã thức ăn mà không chịu ăn cơm, hoặc chỉ thích ăn đồ chiên rán như đùi gà, cánh gà rán, sườn rán, khoai tây chiên, thích uống nước giải khát có gas, ăn của ngọt…
Đối với trẻ kén ăn và ăn thiên lệch, tốt nhất không cho ăn vặt, các bậc cha mẹ phải chăm lo tốt ba bữa ăn chính, chế biến thật ngon và thường xuyên động viên con trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau, luôn động viên cổ vũ trẻ mỗi khi có tiến bộ về mặt ăn uống, có thể xin ý kiến tư vấn của các y bác sĩ, không phê phán quở trách trẻ trong bữa ăn, mà coi trọng động viên. Bố mẹ cần làm gương cho con cái về ăn uống, không gây cho trẻ thói hư.
Trẻ không chịu ăn rau thì làm thế nào?
Cần mở rộng chủng loại rau. Có những trẻ em chỉ không ăn một vài loại rau, không lấy gì làm lạ, ta hoàn toàn có thể thay loại rau khác. Nếu không thích ăn mướp thì cho ăn dưa chuột, bí xanh, không ăn rau cải thì cho ăn rau muống.
Mỗi ngày cho ăn vài ba loại rau và đổi món luôn. Cần chú ý kỹ chế biến, tạo ra màu sắc và khẩu vị món ăn rau thật hấp dẫn.
Bố mẹ cũng cần làm gương trong ăn uống vì điều đó dễ ảnh hưởng tới con trẻ. Bố mẹ cũng không nên kén ăn hoặc ăn thiên lệch một thứ gì. Món ăn nên đa dạng và không nên chê bài món này món kia trước mặt con trẻ. Vì trẻ chưa có khả năng độc lập, phán đoán và đánh giá các món ăn, nhiều khi trẻ cứ dựa vào bố mẹ để ăn hoặc không ăn món ăn nào đó.
Trẻ không thích ăn thịt cá thì làm thế nào?
Trẻ không thích ăn thịt cá có 3 lí do: Một là do trẻ chán ăn, mới thấy các thức ăn ngấy mỡ là ậm ọe. Hai là sợ ăn các món thịt lợn, thịt bò quá dai giắt răng. Ba là do ảnh hưởng của gia đình. Do vậy phải xem nguyên nhân chính là gì để có biện pháp khắc phục.
- Cải thiện chức năng tiêu hóa của trẻ: Những trẻ biếng ăn có thể cho trẻ uống thuốc đông dược theo chỉ dẫn của thầy thuốc nhằm cải thiện chức năng tiêu hóa của trẻ.
Một số thức ăn với thực phẩm cùng nguồn sẽ có hiệu quả nhất định trong việc cải thiện chức năng tiêu hóa như sơn dược tươi, ý dĩ tươi, bạch biển đậu và hồng táo đều có tác dụng tốt.
- Tăng cường chế biến món ăn: Khi chế biến món ăn, chú ý không nên dùng những thứ nhiều mỡ, phải tăng gia vị như hành, gừng hoặc rượu rửa tẩy mùi, phi tỏi cho thơm, khi xào nấu cho vào thức ăn sẽ thơm hơn, món ăn sẽ hấp dẫn hơn.
Trẻ không uống sữa thì làm thế nào?
Trẻ không uống sữa có hai nguyên nhân: Một là trẻ không ưa mùi sữa bò. Hai là uống vào bị đau bụng đi ngoài. Do vậy cần phải thay đổi cách ăn sữa bò, như pha lẫn vào sữa bò loại thực phẩm có mùi thơm và có màu sắc khác như bột Coca (pha vào sữa bò nguội rồi đun lên càng thơm). Như vậy vừa thay đổi màu, tăng mùi thơm sẽ hấp dẫn trẻ hơn.
Hoặc cho trẻ ăn sữa chua. Sữa chua pha lẫn với nước hoa quả (mùa nào thức ấy), nhất là loại hoa quả mà trẻ thích càng tốt.
Cố gắng không cho trẻ uống sữa nguội lạnh. Thuộc tính tự nhiên của sữa bò là hàn, mát, đối với trẻ có chức năng tiêu hóa kém, không nên cho uống sữa bò lạnh vừa lấy trong tủ lạnh ra. Cho uống nóng tốt hơn.
Kể cả về mùa hè, sữa bò và sữa chua lấy từ tủ lạnh ra, phải để cho hết lạnh, cho nhiệt độ tăng lên bằng nhiệt độ trong phòng mới uống.
Khi trẻ không thích ăn hoa quả
Có những bậc cha mẹ cho rằng con mình không thích ăn hoa quả. Thật ra, như vậy không đúng. Vì có những trẻ không thích ăn táo và chuối nhưng lại thích ăn nho, dâu tây, quýt và dưa hấu, là những hoa quả vừa thơm vừa ngon. Thậm chí chúng lại uống nước hoa quả vừa thơm vừa ngon như nước cam, nước xoài hay chanh leo.
Những trẻ thực sự không thích ăn hoa quả không nhiều. Có thể cho trẻ ăn hoa quả tươi hoặc dưới dạng ô mai, hoặc chế biến món ăn hoa quả thái lát trộn với các gia vị cho hấp dẫn khẩu vị.
Khi trẻ không thích ăn trứng
Cách tốt nhất là tăng cường gia công chế biếncho món trứng thơm ngon hấp dẫn như chưng, luộc, hấp, rán, ăn với bánh mì, làm kem trứng, bánh trứng, trứng luộc đúc thịt kho tàu, canh trứng cà chua, trứng cá chua xào nấm, trứng đậu cô ve…
Thói quen ăn uống có quan hệ tới sức khỏe con trẻ, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý.
Có những bậc cha mẹ do nuông chiều con, đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách vô nguyên tắc trong thời gian dài gây nên thói quen xấu như kén ăn, ăn thiên lệch, ăn vặt… ảnh hưởng tới các bữa ăn chính theo thực đơn dinh dưỡng khoa học, kết quả là ảnh hưởng tới sự phát triển cơ thể trẻ, sinh ra hai thái cực trái ngược nhau: hoặc là béo phì hoặc là gầy như que củi.
Cả hai đều không cân đối về dinh dưỡng vì vậy từ nhỏ, các bậc cha mẹ cần hướng cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất, cho trẻ hiểu nên ăn gì và không nên ăn gì, xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh.
Trần Thùy Mai
Theo “The Mom Baby” - Tien phong