Được nghỉ học tránh rét nhưng cu Khoai vẫn phải dậy sớm theo mẹ đến cơ quan với đoạn đường dài gấp mấy lần quãng đường đến lớp.
Trời lạnh dưới 10 độ C nên mấy hôm nay, học sinh các trường tiểu học và mẫu giáo tại Hà Nội được nghỉ tránh rét. Nhưng với những gia đình không có người trông trẻ, trẻ được nghỉ là một vấn đề nan giải.
Nhắm mắt nhốt con ở nhà
Cu Tú nhà anh Hoạch (ngõ Thông Phong, Tôn Đức Thắng, Đống Đa) đang học lớp mẫu giáo lớn nhưng mấy hôm nay trời lạnh, trường cho nghỉ nên bị bố mẹ "nhốt" ở nhà một mình. Cu cậu vốn nghịch ngợm nên anh Hoạch dù để con ở nhà vẫn lo ngay ngáy, chỉ sợ thằng bé nghịch dại thì hối không kịp. Thế nên vừa dặn dò con kỹ càng trước khi đi làm, Hoạch vẫn phải cẩn thận xem xét mọi thiết bị điện trong nhà, khoá chặt bình ga, khoá cửa ra ban công... Anh còn phải để lại nhà chiếc máy tính xách tay cho "ông con" ngồi chơi game. Chỉ có cách này mới dụ được cu cậu ngồi im một chỗ, khỏi nghịch lung tung.
Có hoàn cảnh tương tự là Thanh Ngân, nhà ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Cô "nhấp nha nhấp nhổm" cả buổi sáng ở cơ quan, chẳng làm được việc gì ra hồn vì nóng ruột lo cho bé Linh, cô con gái 5 tuổi, đang ở nhà một mình vì không có chỗ nào gửi khi trường đóng cửa. Ngân phải mất cả buổi tối thuyết phục, bé Linh mới chịu ở nhà một mình, thế mà sáng hôm sau vẫn mếu máo níu áo mẹ. Ở cơ quan, cứ 30 phút Ngân lại phải nhấc điện thoại kiểm tra con một lần. Nghe con "báo cáo" lúc thì đang xem phim hoạt hình, lúc lại đang xem lại đĩa "đồ rê mí", cô mới đỡ lo. Trưa về, Ngân lập tức mua thêm cả chục đĩa phim và ca nhạc để con gái "giết thời gian" vào buổi chiều.
"Mình vẫn hay con cái tội suốt ngày xem TV nhưng trong những ngày này, mình lại mong nó chịu ngồi im mà xem TV để đỡ lo nó nghịch dại khi ở nhà một mình", Ngân chia sẻ. Nhưng cô rất lo vì chỉ có thể để con ở nhà một mình trong vài ngày, nếu đợt rét kéo dài thì không biết phải tính sao.
Cũng không có người trông nhưng không dám "liều" nhốt con ở nhà một mình, một số phụ huynh mang con theo đến cơ quan khiến bé dù được nghỉ học để tránh rét nhưng lại bị rét hơn, như chị Mây, nhà ở phố Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội, có cậu con trai ba tuổi đang học lớp mẫu giáo ở gần nhà. Ông bà nội ngoại đều ở quê, hai vợ chồng đi làm cả ngày nên mấy hôm trước, nghe cu Khoai nói các bạn đã nghỉ học gần hết nhưng chị vẫn đưa con đến lớp. Hôm qua, trời Hà Nội càng rét đậm hơn, thương con nhưng chị Mây vẫn phải mặc ấm cho bé và đưa đi, nhưng đến cổng trường thì thấy thông báo nghỉ học. Không thể nghỉ việc, chị đành chở con đến cơ quan cách đó 7 km. Đến cơ quan mẹ, Khoai chẳng có chỗ nào chơi, trưa chỉ nằm tạm trên mấy chiếc ghế kê sát vào nhau, không có chăn đắp nên không thể nào ngủ được. Hôm nay, cậu bé bắt đầu bị sổ mũi và ho sù sụ.
Cũng không tìm ra cách nào khác khi đứa con gái 5 tuổi được nghỉ học, chị Thu Thuỷ, nhà ở phố Hoàng Cầu, đang làm kế toán cho một công ty liên doanh, phải đưa con đến công sở. Hai hôm nay, sáng nào bé Chíp cũng nai nịt kín mít trong mấy lớp quần áo ấm để theo mẹ đi làm. "Nhà tôi ở chung cư, đã thấy rất nhiều trường hợp trẻ chơi nghịch không có người lớn canh chừng bị rơi xuống nên không dám để cháu ở nhà một mình", chị Thuỷ phân trần.
Với những bé có ông bà trong thành phố nhưng không ở chung, khi nghỉ học, bé vẫn phải vượt quãng đường dài trong giá rét để đến nhà ông bà.
Thường ngày, chị Quyên ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, vẫn gửi bé Khánh ở trường mẫu giáo ngay gần nhà. Nhưng mấy ngày nay rét đậm, nhà trường đóng cửa cho học sinh nghỉ học. Chị Quyên phải đưa con sang gửi nhà bà ngoại ở tận bên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) cách nhà chị hơn chục cây số. Trời thì rét mà sáng nào hai mẹ con chị cũng phải dậy sớm hơn thường ngày khăn gói sang nhà bà ngoại. Buổi chiều Quyên cũng đón con muộn hơn.
Đây cũng là giải pháp của anh Lai, nhà ở phố Thuỵ Khuê. Sáng hôm qua khi đưa cậu con trai đang học lớp hai đến trường, thấy thông báo nghỉ, anh chở thẳng lên nhà ông bà gửi. Thấy đài báo trời sẽ rét đậm kéo dài, anh gọi điện cho vợ bảo chiều về nhà mang quần áo, đồ dùng của con sang nhà ông bà để gửi bé ở đấy mấy hôm, khỏi phải đưa đón khổ cả bố lẫn con.
Theo Afamily