Quá thừa chất bổ có thể khiến trẻ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến biếng ăn và dần duy dinh dưỡng, một số trường hợp khác thậm chí còn gây ngộ độc.
Nghĩ củ dền có tác dụng bổ máu, chị Lan nhà ở Bình Chánh nấu thành nước rồi pha sữa cho con, người mẹ còn pha củ dền vào nước cho con uống. Chỉ sau ba ngày thực hiện thực đơn, bé Hải con chị bỗng tím tái và khó thở.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM bé Hải có dấu hiệu ngưng thở do suy hô hấp, toàn thân tím đen. Phải mất hơn hai ngày cấp cứu tích cực, các bác sĩ mới may mắn cứu được bệnh nhi. Nguyên nhân được xác định là do thành phần có trong củ dền gây thiếu ôxy máu.
Cùng suy nghĩ ăn nhiều củ dền sẽ "hồi máu", sau khi con bị đứt tay mất nhiều máu, chị Uyên nhà ở Long An cũng buộc cậu con trai 1 tuổi ăn nhiều củ dền luộc và uống nước củ dền. Hậu quả sau 4 ngày liền "gồng máu" bằng đủ các món ăn chế biến từ củ dền, bé Hậu vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tím tái, loạn nhịp tim.
Sau khi loại trừ các bệnh lý tim mạch và kể của mẹ, các bác sĩ đã cấp cứu bệnh nhi như một trường hợp ngộ độc. Kết quả sau 12 giờ đồng hồ điều trị, tình trạng tím tái của bé dần cải thiện.
Một trường hợp khác, thấy cháu ngoại sinh thiếu tháng, lại nghe bác sĩ nói sinh non thị lực của trẻ thường kém, bà Châu (quận 12, TP HCM) thường xuyên mua cà rốt về nấu thành nước hoặc xay sinh tố rồi cho cháu ăn với hy vọng thức ăn này sẽ làm bổ mắt. Tuy nhiên sau gần 2 tuần bồi bổ, bé bị tím ngắt toàn thân. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cũng xác định ngộ độc do cà rốt gây nên.
Khẳng định thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc tương tự, các bác sĩ khoa cấp cứu hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 tại TP HCM, cho hay, hầu hết các bé đều tím môi, tím chân tay, suy hô hấp hoặc trụy tim mạch sau khi được cho ăn củ dền, rau dền, cà rốt hoặc củ cải đường.
"Nhầm tưởng màu đỏ, ăn vào sẽ bổ máu, phụ huynh không biết củ này vốn chứa nhiều chất nitrate. Khi trẻ ăn vào chất này khiến hemoglobine (vốn có khả năng chuyên chở oxy đến mô cơ thể khiến da có màu hồng) thành chất methemoglobine không có khả năng vận chuyển oxy, khiến da tím tái. Những trường hợp không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong. Ngoài củ dền thì cà rốt, cải bẹ xanh, củ cải đường cũng là những loại có chứa nhiều nitrate", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.
"Tùy vào hàm lượng methemoglobine mà trẻ có thể tím môi, ăn uống kém, lừ đừ vật vã, nhức đầu chóng mặt... đến yếu chi, khó thở, rối loạn nhịp tim, hôn mê, co giật, thậm chí có thể tử vong", ông Tiến nói.
Còn theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, suy nghĩ củ dền bổ máu là không đúng bởi so với những loại thực phẩm có chứa chất sắt thì củ dền có lượng sắt không cao.
Riêng các loại củ quả có màu vàng - đỏ, xanh đậm như cà rốt, bí đỏ, cam, rau xanh giàu dinh dưỡng, cụ thể là cà rốt, có chất tiền vitamin A, khi hấp thụ vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A có ích cho mắt; các loại khác giúp tăng miễn dịch cho hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và da. Tuy nhiên dùng quá nhiều, quá thường xuyên với lượng lớn vẫn không có lợi cho trẻ.
"Ăn quá nhiều, chất tiền vitamin A không kịp chuyển hóa thành vitamin A sẽ ứ ở lớp mỡ dưới da gây vàng da, vàng lòng bàn tay bàn chân, vàng lưỡi. Thậm chí một số bé do sự dư thừa này còn làm rối loạn chuyển hóa khiến bé chán ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng", bác sĩ Diệp nói.
Theo Afamily