Thấy con nhèo nhẹo quấy khóc, lại kêu ngứa ở hậu môn, chị Mai lúng túng không biết nguyên nhân vì sao, mãi tới khi mang con tới gặp bác sĩ, chị mới biết bé Na bị nhiễm giun kim.
Bé Na mấy tối nay rất lạ, cứ lấy tay gãi liên tục vào gần hậu môn rồi còn quấy khóc nhèo nhẹo. Tưởng con đi vệ sinh xong chưa được rửa nên khó chịu, mẹ bé Nga lại rửa lại cho con sạch sẽ. Nhưng chỉ một lúc vui vẻ xong là bé Na lại tiếp tục gãi, có lúc vừa gãi vừa mếu máo: Mẹ ơi con ngứa.
Dù đã nhìn rất kĩ nhưng cả bố mẹ lẫn ông bà của Na cũng không phát hiện ra dấu hiệu gì khác lạ ở chỗ bé Na kêu ngứa. Hơn nữa, tình trạng này kéo dài mấy hôm rồi, dù có vệ sinh sạch đến đâu thì Na vẫn không ngừng gãi, lại có thêm dấu hiệu bỏ ăn, mệt mỏi.
Chưa có kinh nghiệm nuôi con nên mấy ngày sau bố mẹ mới đưa Na đi khám. Bác sĩ chỉ cần xem qua đã kết luận bé Na bị nhiễm giun kim.
Vậy là bố mẹ Na được một bài học bổ ích về phòng bệnh giun kim cho con.
Giun kim là kí sinh trùng trong đường ruột của con người. Khi bị nhiễm giun kim, ở bé trai kích thước của giun kim từ 1-4mm, còn ở bé gái kích thước giun kim to hơn vào khoảng từ 8-13mm. Khi bị nhiễm giun kim, người lớn thường không cảm thấy gì, nhưng trẻ em thì thường cảm thấy rất khó chịu. Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo thường dễ bị ảnh hưởng bởi giun kim nhất.
Nguyên nhân gây bệnh giun kim ở trẻ
Nhiễm giun kim rất dễ bị lây từ trẻ này sang trẻ khác. Trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt của quần áo, chăn mền và đồ chơi trong khoảng 2 - 3 tuần. Thời gian này là đủ cho những quả trứng được truyền đi và xâm nhập vào cơ thể trẻ em. Trứng sẽ cư trú trong ruột cho đến khi chúng nở.
Khi những con giun cái trưởng thành trong ruột kết, chúng di chuyển xuống vùng hậu môn và đẻ hàng ngàn trứng. Điều này thường xảy ra vào ban đêm và khi đó trẻ cảm thấy vô cùng ngứa và khó chịu ở hậu môn. Trẻ có thể đưa tay xuống gãi và trứng giun lại truyền sang móng tay và dễ lây sang các thành viên khác trong gia đình. Những trẻ có thói quen mút tay càng có nguy cơ bị bội nhiễm.
Các triệu chứng trẻ bị giun kim
Trẻ bị giun kim thường có triệu chứng như cảm giác ngứa dữ dội xung quanh các khu vực hậu môn và âm đạo. Ngoài ra còn có thêm các triệu chứng khác bao gồm chán ăn, giảm cân và mất ngủ. Trẻ có thể trở nên cáu kỉnh và bồn chồn hơn bao giờ hết. Trong trường hợp nặng, nhiễm giun kim cũng có thể gây ra viêm ruột thừa.
Điều trị giun kim ở trẻ
Các bác sĩ thường dùng phương pháp điều trị giun kim đơn giản dành cho trẻ em là kê một liều Mebendazole (Vermox) hoặc Pyrantel Pamoate (Antiminth, Combantrin). Tiếp theo là một liều thuốc thứ hai, sau đó khoảng 2 tuần. Nếu nhiễm trùng đã lan đến các cơ quan tiết niệu và sinh dục thì cần một liệu pháp kết hợp thích hợp, bao gồm Mebendazole và Ivermectin (Stromectol).
Chống ngứa nhẹ nhàng bằng thuốc mỡ. Trẻ nhỏ thường không thể chịu đựng nỗi đau trực tràng do nhiễm trùng, vì vậy nên cho trẻ ngồi ngâm đít trong chậu nước ấm.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan, nhất là phát tán trứng giun, cần giữ vệ sinh cho trẻ cẩn thận, kể cả giường chiếu, chăn màn, đồ chơi… cunngx cần giặt sạch qua nước nóng. Các thói quen lành mạnh cơ bản nhất và quan trọng hơn cả đó là rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
Làm thế nào để Phát hiện trẻ nhiễm giun kim?
Dùng một miếng băng để kiểm tra là hiệu quả nhất. Khi trẻ ngủ dậy buổi sáng, trước khi trẻ đi vệ sinh hoặc tắm, hãy dùng một miếng băng sạch thấm quanh vùng da gần hậu môn của trẻ. Sau đó, mang miếng băng đó đến bác sĩ để kiểm tra. Các bác sĩ sẽ làm các thủ tục cần thiết để kiểm tra xem có giun hoặc trứng giun trong đó không.
Mặc dù nhiễm giun kim ở trẻ em có thể dễ dàng điều trị, nhưng tốt nhất cha mẹ nên giữ vệ sinh để phòng ngừa cho con. Nếu thấy có bất kì triệu chứng nào xuất hiện, nên đưa con đến bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt. Duy trì sự sạch sẽ trong và ngoài nhà. Dạy con cách giữ cho tay sạch sẽ và tránh chạm tay vào miệng thường xuyên. Vệ sinh khỏe mạnh luôn luôn là một công cụ hiệu quả để ngăn chặn bệnh.
Theo Afamily