Chị và hai đứa em tôi im ru, còn đưa tay đùn đẩy nhau. Tôi giơ tay:
- Con đi!
Bác Điều là người quen của ba mẹ. Chưa từng đến nhà bác nhưng tôi biết nhà bác ở thành phố, lại rất khá giả, khác hẳn ở nhà tôi. Tôi thích thành phố nên tôi muốn đến nhà bác Điều. Lúc đó tôi quá nhỏ, nên không biết rằng vì khó khăn ba mẹ tôi đành phải cho đi đứa con của mình.
Hai hôm sau, ba đưa tôi đi. Hai cha con đến nơi khi đã chiều tối nên đêm đó ba ở lại. Vốn tính tự nhiên, tôi nhanh chóng làm quen với mọi người trong gia đình bác Điều mà tôi ý thức được, từ nay sẽ là nhà của mình. Bác Điều nói với ba: “Con bé này ham vui vậy, nó chẳng nhớ nhà đâu. Anh cứ yên tâm mà về, chẳng phải lo”. Ba tôi gật đầu cười rổi tỉ mỉ nói với bác Điều về những thói quen ăn uống, sinh hoạt của con gái.
Sáng hôm sau, dù bữa sáng bác Điều đã dọn ra nhưng ba không ăn, nói về sớm có việc. Tôi ra trước nhà tiễn ba. Ba không một lần nhìn vào mắt tôi dù cứ dặn dò tôi ở lại nhớ ăn nhiều, học giỏi. Rồi ba lên xe đạp đi. Tôi đứng nhìn theo dáng ông liêu xiêu khuất dần ở cuối con đường. Khi ba về, còn lại một mình, cảm giác đơn độc ùa đến bủa vây tôi.
Tôi sợ mình sẽ khóc và sợ người khác nhìn thấy tôi lúc đó nên tôi vòng ra sau nhà, trốn vào chiếc bể nước khô cạn đầy đất và rác do lâu ngày không dùng đến. Ở trong đó, đứa bé 12 tuổi cứ vậy khóc tức tưởi. Tôi đưa tay lên bịt chặt miệng mình vì sợ ai đó nghe thấy khi tiếng khóc mỗi lúc một lớn. Lẫn trong tiếng khóc là tiếng gọi “Ba ơi! Ba ơi!” nghẹn ngào. Một lúc sau, tôi không khóc thành tiếng mà chỉ còn là tiếng nấc. Tôi vẫn ngồi như vậy trong bể kể cả khi đã ngừng khóc, bởi lúc đó tôi không biết mình phải làm gì.
Đột nhiên, tôi giật mình bởi tiếng gọi:
- Hoài ơi! Hoài!
Tiếng của ba. Tôi nhảy ngay ra khỏi chiếc bể, chạy ra trước nhà. Ba đang đứng trước cổng, tay vẫn còn dắt xe đạp. Thấy tôi ú ớ, ba nói, giọng đắng ngắt:
- Về thôi con!
Ba vào nhà nói chuyện với bác Điều rồi soạn lại túi quần áo cho tôi. Hai cha con dắt nhau ra về. Đèo tôi sau xe, ba nói: “Lúc nãy ba đi được một đoạn, nhưng ba không thể nào đạp nổi xe nên quay lại…”.
Tôi quay về nhà mình. Sau lần đó, dù trải qua rất nhiều biến cố nhưng ba mẹ tôi nhất quyết không để đứa con nào phải đi ở nhờ nhà người khác.
Giờ ba đã già. Mỗi lần tôi về thăm nhà, ông lại nhìn tôi cười: “Con về rồi!”. Đến giờ ông vẫn chưa biết ngày đó, khi ông đạp xe bỏ tôi lại một mình ở nhà bác Điều tôi đã trốn trong bể nước khóc và gọi ba như thế nào.
Nam Hoài