Khi trẻ thích hoạt hình, điều đầu tiên các phụ huynh cần nhớ đó là chuyện không cấm được. Bởi công nghệ hoạt hình nói riêng và thế giới điện ảnh nói chung luôn hướng đến sự hấp dẫn. Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng bị lôi cuốn vào thế giới này.
Phim hoạt hình không chỉ là sở thích mà còn là niềm vui của đa số trẻ em. Có nhiều em ngày nào không được xem phim thì ngày đó cảm thấy bứt rứt khó chịu. Nhất là hiện nay đa phần các phim đều được chiếu làm nhiều tập, có phim kéo dài cả tháng. Nhiều em cứ đến giờ phim là bỏ hết mọi thứ để tập trung xem. Việc tác động của phim đến các em là khá lớn. Nhiều em xem xong tưởng tượng ra mình là các nhân vật trong phim và có những lời nói, hành động như trong phim…
Để việc xem phim của các em đem lại hiệu quả tích cực thì chính cha mẹ phải là người định hướng cho trẻ. Thậm chí cha mẹ phải tìm hiểu nội dung của bộ phim trước, xem phim nào hợp với tâm lý và độ tuổi của trẻ. Cha mẹ cần cân nhắc thời gian nào thích hợp với việc xem phim của trẻ. Nhiều trẻ vừa mới ở trường về sau cả ngày học, lại dán mắt vào tivi. Như vậy, các em đã để mắt hoạt động quá nhiều. Cha mẹ phải sắp xếp cho con giờ giấc xem phim, thời lượng xem cho hợp lý (khoảng 15 - 20 phút/ngày).
Thay đổi nhận thức, hành vi với trẻ là những liệu pháp tâm lý dễ nhất, thuận lợi nhất để kéo con khỏi thế giới hoạt hình, trở về đời sống bình thường. Đây là liệu pháp có thể thực hiện ngay tại nhà, không phải thông qua nhà tâm lý, mà chính các bậc phụ huynh cũng có thể thực hiện. Muốn thế, bắt buộc bạn phải dành thời gian cùng xem với con. Chỉ như vậy, bạn mới có thể phân tích được cho con cái hay, cái đẹp, biết phân biệt cái đúng, cái sai kịp thời, kịp lúc từ hình ảnh, âm thanh, lời thoại cho đến những chủ đề tư tưởng của phim. Điều này rất quan trọng bởi không phải bộ phim hoạt hình nào cũng có nội dung giáo dục tích cực. Từ việc xem phim cùng con, bạn sẽ hạn chế được giờ xem phim của trẻ với những lý do chính đáng: “Chờ ba, mẹ xem với”; “Nhớ nhắc ba, mẹ giờ chiếu phim này để mai ba, mẹ xem cùng con nhé…”
Sau khi xem phim xong, dư âm của phim vẫn còn theo trẻ, nhân cơ hội này cha mẹ nên cùng trẻ chia sẻ thêm, lắng nghe những cảm nhận của trẻ để hiểu con, định hướng kịp thời.
Nhiều trẻ sẽ rất thích khi tự nhận mình là những nhân vật trong phim. Vì thế, nếu cha mẹ luôn động viên những việc làm tích cực của con và kèm theo tên của nhân vật trong phim như: “chú kiến con ngoan quá đang giúp mẹ đấy”, “ồ con vịt con của mẹ thông minh quá”, thì trẻ rất phấn khởi. Điều này giúp trẻ biết cách bày tỏ cảm nhận, biết cách phân tích nhân vật, biết quan sát…
Mặc dù, ai cũng có những bận rộn, lo toan trong cuộc sống, nhưng việc xem phim hoạt hình không thể khoán trắng cho trẻ. Chính vì những ảnh hưởng của phim hoạt hình mà cha mẹ cần phải dành một thời gian nhất định để cùng con xem phim, định hướng cho con và cùng con cảm nhận những bài học giáo dục từ phim.
Nên nhớ việc cai nghiện hoạt hình nói riêng và nghiện tivi nói chung, chưa có nơi điều trị.
Lê Thị Minh Hoa
(Chuyên viên tư vấn tâm lý - trị liệu,
108 Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận)
>>
>>
>>
>>
>>
>>
>>
>>
>>
>>