- Anh khổ lắm. Có mấy đứa bạn rủ học nhóm, anh lỡ hứa rồi nhưng xin hai ba lần mà mẹ hổng cho.
- Ừ, mẹ mình “phát-xít” vậy đó, biết rồi mà anh Hai còn hứa với bạn làm chi cho cực. Như bé nè, hôm bữa có tụi bạn vô tận nhà xin mẹ cho đi chơi chung mà mẹ còn không cho nữa là.
- Mà hổng biết sao mẹ mình kỳ vậy hén, cái gì cũng nói là “sợ cho con”, tụi mình lớn rồi chứ bộ!
- Ừ, lúc nào mẹ cũng nói “Mẹ sợ con đi đâu một mình rồi xe quẹt con, chó dí con, bạn lớn ăn hiếp con… Con đau một, mẹ đau mười lận đó…”. Mẹ làm như mình hổng biết tránh xe, hổng biết chạy khi chó dí, hổng biết… đánh lại khi bị đánh vậy đó.
- Bởi vậy, có mẹ cưng kiểu “phát-xít” như vầy chán ơi là chán!
Tôi phải bụm miệng thật chặt mới không khỏi bật ra tiếng cười. Con tôi lớn rồi ư? Đứa tám tuổi, đứa mười tuổi, áo mặc có khi còn cài cúc lộn ngược lộn xuôi mà, lớn lao gì.
Tôi yêu con một cách tuyệt đối, không muốn bất cứ một thương tật, đau đớn nào chạm đến cơ thể con. Thế mà chúng cho là tôi “phát-xít” ư? Việc học nhóm, tôi đã từng “kinh” qua rồi, học cái gì, chỉ là tụ tập phiếm chuyện rồi ăn quà vặt, tốn thời gian mà thôi. Tôi có bảo con, hãy mời nhóm học ấy đến nhà mình để mẹ xem cách học của các con thế nào, nếu không biết mẹ hướng dẫn, nếu biết rồi thì mẹ sẽ cho đi cùng nhau. Nhưng thằng anh chỉ ậm ừ rồi không đi học, cũng chẳng mời bạn về nhà, thế làm sao tôi tin là con thật sự học nhóm?
Bị bạn đánh thì cũng đã có rồi, chẳng là một hôm thằng anh xin đi chơi với bạn, thằng em đòi theo. Thằng anh không cho, bảo ở nhà chơi với mẹ thì nó khóc: “Chơi với mẹ chán lắm, mẹ không biết đánh kiếm, không biết chơi trốn tìm… Anh Hai không cho bé theo thì mai mốt bé nghỉ chơi với anh Hai luôn”. “Ừ thì đi, nhưng nhớ là đừng phá tụi anh nhé!”.
Nhưng thằng em vốn tính “năng động”. Người ta chơi trốn tìm thì nó… chỉ điểm, chơi ô ăn quan thì nó la hét um sùm rằng đi thế này là thua, thế kia là thắng. Bực quá, tụi bạn lớn hơn đánh cho một trận.
Từ đó, tôi “cấm cửa” việc chúng tự đi chơi. Có đi đâu thì tôi chở và ngồi chờ, bằng không thì con phải ở nhà.
Vậy mà hôm nay, khi nghe con nói chuyện tôi không khỏi giật mình. Tôi không hề có ý “phát-xít”, nhưng làm sao để bảo vệ con mà chúng không cảm thấy mất tự do thì quả là điều khó nghĩ.
Thùy Trang