Khi nào trẻ cần có bạn?
Từ khi nhận ra được mối quan hệ giữa bản thân với môi trường xung quanh, trẻ đã xuất hiện nhu cầu bạn bè. Và nếu như ở tuổi mầm non, trẻ cần có người để chơi bên cạnh, để cạnh tranh khi cần thách đấu “ai ăn nhanh hơn?”, “ai nhắm mắt ngủ trước?”… thì đến tuổi mẫu giáo, trẻ luôn cần có người chơi cùng. Đặc biệt là trong những trò chơi sắm vai, trẻ cần có người hợp tác để tiến hành những “kịch bản” của chúng. Việc bạn bè tham gia tích cực và đóng đúng vai được phân công thường làm cho trẻ vui sướng, hài lòng, và ngày càng gắn bó với các bạn hơn. Từ đó xuất hiện những nhóm bạn thường chơi chung với nhau, xuất hiện khái niệm “bạn thân” trong lớp mẫu giáo lớn.
Vào lớp 1, trẻ gần như nhanh chóng hòa nhập môi trường mới và cũng không mấy khó khăn khi không còn những người bạn cũ ở bên cạnh. Giờ đây trẻ có một nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với sự phát triển của trẻ - nhiệm vụ học tập. Vì thế, phần lớn trẻ có khuynh hướng kết bạn theo kiểu “đôi bạn học tập”, “đôi bạn cùng tiến” ở lứa tuổi tiểu học.
Từ tuổi cấp II trở đi, trẻ có thể làm cho cha mẹ lo lắng từ việc “nghe lời bạn bè mà không nghe lời cha mẹ nữa”. Bởi vì đây là độ tuổi, mà theo các nhà tâm lý học, thì hoạt động chủ đạo của các em là thiết lập mối quan hệ bạn bè. Chính những mối quan hệ này sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn về mặt xã hội. Cùng với sự phát triển hình thể gần giống với người lớn, được cập nhật nhiều tri thức, có sự hiểu biết nhất định, có khả năng thực hiện những công việc của người lớn, kể cả có thể tự chủ về tài chính, trẻ vị thành niên luôn mong muốn khẳng định và chứng tỏ tính “người lớn” của mình. Từ đó trẻ có thể quý trọng thái quá đối với bạn bè và trở nên xa cách cha mẹ. Bạn là trên hết, bạn là số 1, cha mẹ mà “nói động đến” bạn là trẻ sẽ phản đối dữ dội bằng nhiều kiểu, tùy theo tính cách của trẻ.
Vì thế, khi không có bạn, bị bạn bè tẩy chay, hoặc thiếu thốn tình cảm bạn bè, trẻ thường dễ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực.
Nguyên nhân, hệ lụy
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ không có bạn, hoặc có ít bạn bè: trẻ có tính cách hướng nội, rụt rè, ngại tiếp xúc; bị cha mẹ ngăn cấm, không cho kết bạn, sợ bị lây nhiễm thói xấu, thiếu tự tin về bản thân, bị chính bạn bè tẩy chay… Nhưng dù vì lý do nào chăng nữa, khi nhu cầu tất yếu về bạn bè của lứa tuổi không được thỏa mãn sẽ dễ dẫn đến sự mất cân bằng ở trẻ. Trong đó trạng thái cô đơn, buồn chán thường trực là một vấn đề đáng lo ngại.
Sự cô đơn do thiếu thốn bạn bè, không có người tâm sự, chia sẻ vui buồn làm cho trẻ dễ bị trầm cảm. Điều này còn khiến cho trẻ dễ bị lệ thuộc vào cảm xúc của người khác. Khi quá cần bạn bè, trẻ dễ bị rủ rê, mua chuộc, có khuynh hướng tìm mọi cách để giữ chân bạn, kể cả những hành vi vi phạm đạo đức như trộm cắp, nói dối… Sự cô đơn làm nghèo nàn thêm cuộc sống tinh thần, trẻ dễ nhảy vào tìm kiếm những giá trị ảo, nhất là qua game online. Đã có nhiều em bị kẻ xấu dụ dỗ làm chuyện phi pháp, lợi dụng tài sản, lạm dụng tình dục v.v… từ những mối quan hệ này.
Cha mẹ luôn là bạn với con
Bạn bè không chỉ là người chia sẻ vui buồn, mà hơn hết, mối quan hệ bạn bè là điều kiện quan trọng để mỗi người học hỏi, thể hiện, và rèn luyện bản thân, hoàn thiện nhân cách. Người lớn cần có định hướng, hướng dẫn trẻ cách thức xây dựng những mối quan hệ bạn bè phù hợp trên quan điểm tôn trọng sự phát triển của con. Ở mỗi độ tuổi, con luôn cần có những người bạn nhất định, việc cha mẹ giúp con tìm kiếm, mở rộng, xây dựng và duy trì tình bạn sẽ đem đến niềm vui cho con, giúp con tránh được sự cô đơn trong cuộc sống. Hơn ai hết, chính bản thân cha mẹ luôn là người bạn bên cạnh con, để thực sự quan tâm và thấu hiểu chúng.
ThS Linh Trang