Chào đời cách nhau vài phút nhưng bé anh da trắng, mắt to, trong khi bé em ngăm đen, mắt nhỏ. Ngay cả tính khí cũng không giống nhau. Cùng đòi sữa nhưng bé anh la hét liên tục, đến khi ngậm vú rồi vẫn còn ư ử ra chiều bực dọc. Còn bé em chỉ rên e e vài tiếng. Bố háo hức theo dõi sự ồn ào, ngang ngược của bé anh bao nhiêu thì mẹ mủi lòng trước vẻ… chịu thương chịu khó của bé em bấy nhiêu.
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ đầu, bố mẹ vẫn không thể lường hết những vất vả, khó khăn trong việc chăm con nhỏ. Bố mẹ phải thuê một lúc hai người giúp việc, đỉnh điểm là những giai đoạn chuyển đổi từ… người giúp việc này sang người giúp việc khác. Chưa kịp “đào tạo” xong người giúp việc này, bố mẹ đã phải ngậm ngùi chia tay với người kia. Cuối cùng, bố mẹ chỉ còn “ta với mình” vì ai cũng chạy dài trước hai cái mồm liên tục sữa, bột, cháo, rồi khóc, hét, nôn… “Tả xung hữu đột” trong căn phòng đầy đồ chơi, tã giấy, bình sữa, quần áo bẩn… mà món nào cũng nhân hai, bố mẹ chưa kịp thở, lại phải mau mau phân xử khi hai con “đại chiến”.
Lúc nhỏ, nằm cạnh nhau, vui thì bé anh đưa ngón tay vào miệng cho bé em… ngậm, buồn thì quay qua cấu vào mặt em làm em khóc thét. Lớn thêm một chút, ngòi nổ của cuộc chiến tranh dễ dàng hơn nhiều, đôi khi chỉ là do ông anh đang chơi, hứng chí lấy xe hơi gõ “yêu” lên đầu em rồi nhe răng cười. Cậu em lầm lì không chịu thua, đợi lúc ông anh lơ đễnh, quay sang “đánh nguội”. Nhưng đáng nói nhất là nguyên nhân “giành mẹ”. Mẹ vắt kiệt mình cho hai con bú đến hai tuổi, nên trước khi đi ngủ, đứa nào cũng giành nằm trên bụng mẹ mà uống sữa. Cự cãi, ẩu đả, khóc lóc, ăn vạ, đến khi nghe dọa cây roi, hai con mới chịu hòa bình.
Một lần, sau khi mệt mỏi trở về nhà từ cơ quan, lại phải đứng ra dàn xếp cuộc xung đột “đẫm máu” của hai con (một đứa bị trầy chân), bố tức giận tuyên bố chấm dứt chiến tranh bằng cách tách hai đứa ra. Đúng dịp nghỉ Tết, mẹ về quê ngoại, dẫn theo bé em vẻ mặt háo hức, còn bé anh ở lại nhà với bố, mặt cũng hớn hở không kém. Nhưng chưa hết ba ngày Tết, bé em buồn rũ kém ăn, gọi điện lên hỏi thăm bố, mới biết bé anh chiều nào cũng thờ thẫn ra cửa ngóng. Kéo dài thêm hai hôm nữa, đến khi hai đứa khóc thương đòi gặp được nhau, với lời hứa sẽ nhường nhịn nhau, bố mẹ mới cho “huynh đệ tương phùng”. Nhờ kế sách này và cũng đúng lúc các con được cho đi học mẫu giáo, nên tỏ ra ngoan ngoãn hơn…
Với bố mẹ, nuôi dạy hai anh em sinh đôi vất vả thật nhiều nhưng hạnh phúc nhân đôi!
Thái An