Chăm sóc bé yêu chẳng hề đơn giản như bạn nghĩ. 9 lời khuyên của Khoa nhi thuộc Viện hàn lâm Hoa Kỳ giúp bạn có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc nuôi dạy bé.
Cư xử
Nên để bé có thói quen thưa gửi và nói năng lễ phép. Bạn hãy cố gắng dạy bé nói "xin lỗi", "làm ơn", "cảm ơn" nhiều hơn khi bé giao tiếp với người khác.
Những khi bạn cảm thấy buồn phiền và giận dữ, không nên quát tháo và to tiếng trước mặt bé. Bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo rằng lần sau phải biết cư xử như thế nào.
Trẻ con rất dễ bị tổn thương và bị ám ảnh. Do đó, cha mẹ nên tránh hết sức tình trạng căng thẳng không mong muốn đối với con cái. Hãy dành thời gian để bình tâm lại, quát tháo không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho mọi chuyện càng tồi tệ hơn.
Yêu thương
Có rất nhiều cách để bạn thể hiện tình yêu của mình đối với bé. Ôm ấp và vuốt ve giúp bạn và bé gần gũi hơn.
Hãy cho bé học cách biết yêu thương bản thân và mọi người xung quanh. Cố gắng xoa dịu khi bé giận dữ vì phải tranh cãi một vấn đề gì đó hoặc đang có tâm trạng xấu. Đừng quên nói rằng " Bố (mẹ) rất yêu con!".
Đọc sách và trò chuyện với bé
Hãy bắt đầu việc này ngay khi bé còn nhỏ, thậm chí lúc bé chưa ra đời. Những lời nói dịu dàng của bạn sẽ làm bé cảm thấy an toàn, dần dần qua đó, bé "làm quen" với bạn. Sợi dây của tình mẫu tử vì thế cũng được thắt chặt hơn.
Đây cũng là cách dạy con rất bổ ích. Bạn nên giảng giải cho bé hiểu ý nghĩa của những câu chuyện để bé học tập.
Từ trong bụng mẹ
Trong thời gian mang thai tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu và uống thuốc bừa bãi. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, bạn cần theo chỉ dẫn của bác sỹ.
Rượu, khói thuốc lá có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của bé, ngay lúc bé còn trong bụng mẹ và cả khi đã chào đời. Hãy nhớ rằng, sức khoẻ chính là chìa khoá hạnh phúc cho con bạn.
Theo dõi sức khoẻ
trao đổi với các bác sỹ khoa nhi để biết rõ tình hình sức khoẻ của con bạn. Lưu giữ tất cả các giấy tờ liên quan đến những lần chủng ngừa cho trẻ. Bạn cũng nên giữ một bản sao theo dõi sức khoẻ cho bé ở nhà.
Ngôi nhà an toàn
Kiểm tra và dọn dẹp hết những thứ có thể gây nguy hiểm đối với bé. Thuốc, dụng cụ dọn dẹp nhà cửa, vật nhọn và sắc có thể gây nguy hiểm nên cất kín và để xa tầm tay của bé.
Trẻ con chưa thể phân biệt được mọi thứ. Vì vậy, bạn nên tránh để những đồ vật nhỏ (cúc áo, bút bi, bút chì…) gần chỗ trẻ dưới 3 tuổi, trẻ có thể bỏ những thứ đó vào miệng và hậu quả thật khôn lường.
Khuyến khích, động viên
Bạn nên sử dụng nhiều từ ngữ phong phú, nhưng đơn giản để nói với bé. Thường xuyên cổ vũ và động viên bé bằng những câu như "con có thể làm được điều đó mà" hoặc "con đúng là một chàng trai tuyệt vời". Sự khuyến khích này cho bé tự tin hơn và cảm thấy thích thú về những việc mình làm.
An toàn khi đi trên xe
Trong trường hợp phải dùng đến xe. Bạn nên để trẻ trẻ dưới 12 tuổi ngồi ở ghế sau, không ngồi ở ghế trước. Đặc biệt, không cho trẻ ngồi ở chỗ có bình cứu hoả.
Hãy chắc chắn rằng bé yêu của bạn được ngồi an toàn và đúng tư thế. Nên chọn cho bé chiếc ghế phù hợp với chiều cao và cân nặng. Thêm nữa, bé cũng phải được thắt dây an toàn giống bạn.
Sinh hoạt
Nếu bé muốn xem ti-vi, bạn không nên ngăn cấm. Tuy nhiên, nên lựa chọn chương trình phù hợp và có giới hạn thời gian. Không nên để bé ngồi quá lâu trước màn hình.
Lập một chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bé. Cho bé ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa. Nếu bé biếng ăn, bạn cũng không nên mắng mỏ. Mỗi lần cho bé ăn một ít và chia thành nhiều bữa nhỏ.
Nếu bé đã đến tuổi đến trường, nên tập cho bé thói quen tự giác ngồi vào bàn học. Phải biết cân bằng giữa việc học hành và vui chơi, giải trí. Tránh để bé rơi vào tình trạng học quá nhiều và bị ức chế thần kinh.
Duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ và vận động thân thể. Bạn cũng nên dành thời gian cùng bé tập luyện.
Trẻ con rất thích được khen, bạn đừng quá "nghiêm", hãy biết khen thưởng bé đúng lúc. Đây cũng là cách để bé tập tính tự lập và có lòng tin vào bản thân.