AVS -"Dành thời gian với con là cách giáo dục tốt nhất"

Chị Phạm Thị Cúc Hà, Quản lý Trường Mầm non và Trung tâm Just Kids, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản lý giáo dục tại Úc, được nhiều bố mẹ ủng hộ vì cách dạy trẻ “rất Tây” mà hiệu quả.

Bố mẹ không nên kỳ vọng vào con quá nhiều

Chị Phạm Thị Cúc Hà tốt nghiệp ĐH Sư phạm Voronezh (LB Nga) năm 1995, Thạc sỹ Giáo dục tại Đại học Flinders (Úc) năm 2004.
Sau khi về Việt Nam, dạy tại trường mẫu giáo QT Saigon Kids (TPHCM), Đại học Văn Lang, tham gia làm dự án, giám đốc marketing...
Mở trường MN và trung tâm Just Kids từ năm 2007. Hiện có 2 địa điểm:
Just Kid 1: Số nhà 42 ngõ 61 Trần Duy Hưng (Hà Nội).
Just Kid 2: Phòng 10 1 - 102 Nhà CT4 Mỹ Đình (Hà Nội).

Làm mẹ của 4 con, chắc mỗi tối chị phải mệt lắm khi “hò hét” con ăn ngủ, học hành?

Không căng thẳng tẹo nào. Đến giờ học, con tôi tự ngồi vào bàn như một thói quen tự nhiên thôi. Từ hồi con học lớp mẫu giáo chuẩn bị lên lớp 1, mẹ đã “đặt lịch”, ví dụ từ 7 – 8 giờ, con tập tô chữ... Đến bây giờ, mỗi ngày con cũng chỉ cần học ở nhà tối đa là 1 giờ.

Mẹ con tôi luôn thảo luận làm lịch tuần, lịch tháng. Ví dụ, các ngày trong tuần đều làm bài tập về nhà. Thứ 2 con làm thêm toán nâng cao, thứ 3 đọc sách tiếng Anh, thứ 4 luyện đàn... Luôn thỏa thuận trước khi lên kế hoạch cho con. Khi đã thống nhất, nếu con làm sai, mình chỉ cần chỉ vào lịch thôi.

Quan trọng hơn là làm thế nào để con phải thích học. Tôi không phải bắt ép con đi học thêm một lớp nào cả ngoài những lớp con thật sự thích. Có hôm con tôi bị ốm, không đi học lớp kịch bằng tiếng Anh được, “vật vã” lắm. Mẹ phải mang máy tính đến lớp, mở webcam để con xem cô và các bạn làm gì.

Học ít thời gian thế, chị không sợ con kém các bạn khác sao?

Tôi nghĩ thế là quá đủ đối với một đứa trẻ. Tuy nhiên đấy là con tôi và có thể tôi hài lòng với cách dạy của mình. Có thể con tôi không bằng các bạn khác nhưng không quan trọng. Quan trọng là con có nhiều hoạt động và học được rất nhiều qua các hoạt động đó, và các con mình dùng thời gian một cách có ý nghĩa.

Dù bận bịu hay mệt thế nào, buổi tối tôi vẫn đọc (mặc dù chúng nó đã biết đọc và vẫn có thời gian tự đọc truyện) hoặc kể chuyện cho các con nghe trước khi đi ngủ. Một tuần hoặc hai tuần mẹ cố gắng sắp xếp một buổi dẫn con đi mua sách, mỗi tối thứ 7 hoặc chủ nhật là mẹ con lại xem phim  hoặc DVD do các con tự chọn, hay đi xem ở rạp, cũng bỏng ngô rồi “bàn tán” với nhau. Tôi thấy những điều đó mang nhiều lợi ích hơn là chỉ ngồi ở bàn và học.

Tôi quan niệm là bố mẹ không nên kỳ vọng vào con quá nhiều. Và nên cho con học theo theo khả năng và học theo những cách thoải mái nhất.
Nhưng không phải bố mẹ nào cũng có những suy nghĩ giống chị?

Tôi nghĩ mấu chốt là ở bản lĩnh của bố mẹ. Bố mẹ dám chấp nhận con mình như đúng khả năng của nó, không bắt con gồng mình vượt quá khả năng của mình và sẽ mãi là những điểm tựa cho con mình về sau.

Tôi nghiệm thấy điều này rất đúng từ nhiều bố mẹ mà tôi thường quan sát. Bố mẹ nào cực kỳ thoải mái, không hề lo lắng hôm nay con học được từ gì, không thắc mắc tháng này con chẳng nói được từ tiếng Anh nào thì con kết quả của con lại tốt. Ngược lại có những bố mẹ đã gây những sức ép cho con phải nói được từ này, đọc được câu kia khiến con tự ti. Đến lớp, con đọc sai một từ là vô cùng đau khổ trong khi thầy cô giáo không hề bắt ép. Chỉ vì nó không nghĩ nó được phép sai và thất bại.
Bốn thiên thần bé nhỏ của chị Hà
Cho phép con sai
Nếu không “ép” học, con dễ bị điểm kém?
Tôi ít khi “quát” con khi con được điểm kém, tôi chỉ xem bài và cùng con nhận ra sai ở đâu, vì sao điểm kém. Dần dần, chính chúng nó là những đứa về nhà vò đầu bứt tai: “Mẹ ơi hôm nay con được có 9 điểm” và mẹ lại phải động viên. Các con đã ý thức và tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình, không phải vì mẹ muốn thế.

Tôi làm việc với giáo viên nước ngoài nhiều. Cái khác biệt là họ luôn kêu gọi giáo viên Việt Nam là phải đứng ra xa, bình tĩnh, để đứa trẻ có thời gian suy nghĩ trả lời, để cho trẻ con được phép sai. Bố mẹ cũng phải cho con cơ hội, phải chấp nhận con có thể sai, thất bại. Như thế con mới tự tin, tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình.

Có người nhận xét: “Cách dạy con của chị quá Tây” so với môi trường ở Việt Nam?

Không hề. Đó là cách cho con phát triển tự nhiên.

Ở nước ngoài, đi vào quán cafe, nhìn thấy mẹ nào đút cho con ăn khi đã có khả năng tự xúc rồi thực sự là một chuyện kỳ dị. Ở Việt Nam lại nhan nhản. Thực ra đứa trẻ không bao giờ nghĩ phải có ai xúc cho nó ăn. Tại bố mẹ cứ tạo ra thói quen. Đứa trẻ ăn cho người lớn vui chứ đâu phải ăn cho đứa trẻ. Cứ dần dần, trẻ sẽ bị thụ động.

Nhiều mẹ muốn cho con tự xúc ăn nhưng sợ bẩn. Bẩn nhà, bẩn mặt, bẩn quần áo. Muốn con đến trường nhiều hoạt động, nhiều sáng tạo, nhưng chiều mẹ đón thấy con đầu tóc bù xù, quần áo lấm lem thì kêu cô giáo. Ra đường, con phải mặc bộ này cho đẹp để mẹ hãnh diện, con phải ăn món này cho bổ. Làm thế thì bao giờ con mới độc lập được.

Con nhà tôi tập xúc ăn từ khi có thể cầm thìa được con nhỏ, còn thực sự tự xúc ăn từ 3 tuổi. Nếu con ăn chậm, mẹ có thể xúc sẵn cơm vào thìa để con đưa lên mồm tự xúc. Phòng các con cũng tự dọn. Không được gọn gàng như người lớn làm, bẩn một tí cũng được.

Nhiều bố mẹ cũng muốn áp dụng học Tây cách dạy con ngoan, nhưng còn e dè nhiều điều...?

Tôi nghĩ không phải Tây cái gì cũng đúng, cũng hay. Tôi học được nhiều điều từ mẹ tôi, một cô giáo ở quê chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, khi giáo dục anh chị em tôi. Dạy con là cả một chiến lược mình lựa chọn lâu dài phù hợp cho từng đứa trẻ, hoàn cảnh của mình và chiến lược đó có thực hiện được hay không lại do cái văn hóa, hành vi, cách làm hàng ngày của mình. Chiến lược phải phù hợp với văn hóa, và văn hóa phải phù hợp với chiến lược.

Vì vậy, khi dạy con mình phải tự quyết, bản lĩnh, đồng nhất, không để quá nhiều sự can thiệp theo kiểu “đẽo cày giữa đường” và cũng không can thiệp vào chuyện dạy con của nhà khác.
Cô Hà (mặc áo đen) và các con ở trường Just Kids trong buổi ngoại khóa tại Bảo tàng dân tộc học

Cách giáo dục tốt nhất là dành thời gian cho con

Chị cũng nên châm chước bố mẹ còn bận đi làm, việc nuôi dưỡng con ở nhà đành nhờ cậy ông bà?

Có thể bố mẹ bận đi làm. Có thể ông bà là người trực tiếp trông con, nhưng quan trọng là bố mẹ phải luôn tận dụng, dành thời gian cho con. Tôi đã đến nhà nhiều người, thấy mẹ ngồi xem tivi, con chơi máy tính. Tôi hỏi, người mẹ đó bảo: “Không cho con chơi điện tử thì biết làm gì với con bây giờ?”

Tôi không chấp nhận chuyện bao biện cho việc không có thời gian cho con. Là người quản lý trường thật đấy nhưng tôi nghĩ gia đình bao giờ cũng quan trọng hơn nhà trường. Trường có tốt đến mấy thì cũng chỉ đóng góp không quá 50% cho việc giáo dục con cái. Vậy nên thay vì dành thời gian đi kiếm nhiều tiền để cho con đi học trường thật xịn, thật đắt, bố mẹ hãy nghĩ đến việc dùng thời gian đó cho con.

“Dành thời gian cho con” không có nghĩa là kiểm tra bài tập, ngồi bên cạnh khi con học bài. Khi con hỏi bài, tôi đều giành thời gian để xem con khúc mắc ở đâu, gợi mở cho con. Còn nếu không thắc mắc, chúng nó tự học. Tôi ít khi kiểm tra bài của con. Bài tập của con đã có cô giáo kiểm tra ở lớp, tôi không đủ thời gian kiểm tra con làm đúng hay sai ở nhà, căn bản là tôi biết nó đã làm, còn đúng sai khi cô giáo chữa bài ở lớp con sẽ tự rút ra.

“Dành thời gian cho con” đối với tôi là thực sự là “spend time together”. Đơn giản là cùng chơi, cùng nấu ăn, cùng xem TV và bàn tán, cùng nói chuyện chia sẻ như bằng vai phải lứa.
Tạo một thói quen chia sẻ khi con còn bé thì khi con đến 13-14 tuổi con sẽ không đóng sập cửa phòng riêng trước mặt bố mẹ. Hãy nói chuyện với con, đào sâu vào câu chuyện, và không nhất thiết phải có kết luận, chỉ bảo sau cùng. Tự đứa bé sẽ rút ra kết luận cho mình.

Qua đó, con cũng học hỏi được rất nhiều. Ví dụ con đấm vào ngực, bố sẽ ôm bụng tỏ vẻ đau khổ. Trẻ con sẽ hiểu được hậu quả của việc nó làm kể cả nó biết là bố đùa. Tôi có lần cùng chơi với con trò vẽ các đường quanh co dẫn lên mặt trời rồi xem ai đường tìm lên mặt trời nhanh nhất, nó lên trước, tôi giả vờ thất vọng đau khổ, nó bảo: mẹ ơi có sao đâu, con bị mặt trời đốt cháy rồi... Khỏi phải nói bố mẹ cũng có thể thấy bao nhiêu tố chất được phát triển qua việc đó...

Tôi cho rằng “tự giáo dục” vẫn là cách giáo dục tốt nhất đối với từng con người, và khi mình dành thời gian cho nhau như thế, đứa trẻ sẽ tự ngẫm ra nhiều điều để “tự giáo dục” mình...
Cô Hà trong một buổi học khoa học bằng tiếng Anh của các con
Theo chị, bố mẹ cần rút kinh nghiệm gì trong cách nuôi dạy con hiện nay?

Bố mẹ và ông bà, nhà trường phải đồng nhất. Ngay trong bản thân, từng hành vi của người lớn cũng phải đồng nhất.

Mẹ luôn dạy con phải bỏ rác vào thùng nhưng ra đường, mẹ lại tiện tay vứt rác. Mẹ dặn con đến lớp phải tự xúc ăn, nhưng ở nhà mẹ vẫn xúc cho con ăn. Trong lúc đó, nhiều khi mẹ còn giảng giải: “Đáng nhẽ con phải tự xúc”.

Cô giáo dạy con đèn đỏ dừng lại, nhưng nhiều bố mẹ đi với con nhỏ, vẫn vượt đèn đỏ. Như thế lý thuyết chỉ ở nhà trường, để trả bài cho cô, nó không phản ánh cái lề lối văn hóa chung nên nó không thấm nhuần vào được đứa trẻ. Ở trường, thái độ học sinh có thể ngoan vì sợ cô giáo chứ không phải bản thân thấy nên làm như thế và việc đó tự nhiên nó phải là thế.

Tôi vẫn muốn nhắc lại quan điểm “dành thời gian thực sự cho con là cách giáo dục tốt nhất”.

Xin cảm ơn chị!
Thu Hằng

 

 

 

 

Theo afamily.vn


------------------------------

------------------------------
Đã đọc : 1403 lần

Liên hệ tư vấn

hỗ trợ trực tuyến

CHÚ Ý: AVS KHÔNG TƯ VẤN QUA CHAT

tư vấn qua điện thoại (3.000 đồng/phút): 1900 68 50 hoặc (04)1088 - 1 - 7

tư vấn trực tiếp: 2/15, phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lĩnh vực tư vấn:

- tư vấn tâm lý tình cảm, hôn nhân, gia đình

- tư vấn nuôi dạy trẻ

- tư vấn sức khỏe tình dục: xuất tinh sớm, lãnh cảm, nghệ thuật phòng the, bệnh tình dục....

- tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính

- tư vấn trị liệu tâm lý

- Các vấn đề tâm lý khác như ly hôn, stress

Gọi -1900 68 50 để đặt lich tư vấn trực tiếp

Biểu giá tư vấn tại đây

Khách hàng tư vấn trực tuyến xem hướng dẫn tư vấn tại đây

Truyện hay

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Truyện ngắn: Cái kính của gã bạn trai cũ

Có rất nhiều cách để chấm dứt một mối quan hệ, đặc biệt là kiểu quan hệ tình cảm nam nữ. Tôi vẫn hình dung mọi chuyện đơn giản thế này, hai cục nam châm điên cuồng hút nhau, rồi tới khi bản thân chúng mất đi lực hút, hoặc giả bi ai hơn cứ cho là... Đọc thêm