Để làm một người cha tốt thật không đơn giản chút nào, nhưng cũng không quá phức tạp. Điều quan trọng là bạn đừng để ý muốn làm “một người cha tốt” trở thành gánh nặng cho chính bản thân mình. Đừng nên tưởng tượng quá nhiều về vai trò của người cha, cũng như mối quan hệ của người cha với con cái. Sau đây là 5 điều mà người cha thường tưởng tượng, bạn nên biết và tránh những quan điểm lầm lẫn này.
1. Chỉ có cảm giác của những người sắp làm mẹ là quan trọng.
Vợ bạn sẽ có những thay đổi thú vị về hình thể trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Hơn nữa, cô ấy sẽ bận bịu với việc tìm hiểu về quá trình hình thành đứa bé, cũng như việc chăm sóc, nuôi dưỡng nó sau khi sinh; nên có thể cô ấy sẽ khó tính hơn, cần được bạn chăm sóc nhiều hơn. Nhưng đừng vì thế mà quên đi bản thân mình. Nên nhớ rằng bạn cũng quan trọng không kém gì vợ đâu. Bản thân bạn cũng nên tự chuẩn bị tinh thần cho chính mình nhưng không nên sợ hãi hay quá căng thẳng. Cần nhất là bạn và vợ bạn nên chia sẻ cảm giác với nhau. Cô ấy cần biết về những suy nghĩ của bạn và ngược lại. Có rất nhiều người đàn ông giữ kín những tâm sự, suy nghĩ của mình trong suốt quá trình vợ mang thai và sinh nở bởi họ không muốn vợ mình phải lo lắng; nhưng chính điều này vô hình chung lại là sức ép tâm lý cho chính họ. Tiếc thay những sức ép này có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa hai vợ chồng. Cách tốt nhất là hai vợ chồng nên thường xuyên trao đổi với nhau cho dù đứa con nhỏ có làm choán hết thời gian của hai người. Ngoài ra, bạn nên tham khảo về bí quyết làm cha ở sách báo. Đây cũng là cách chuẩn bị tinh thần rất tốt, vì sách vở thường được các nhà tâm lý đúc kết, nghiên cứu mà viết ra.
2. Những đứa trẻ sơ sinh chỉ cần có mẹ mà thôi.
Thông qua việc cho con bú sữa, vợ bạn và đứa bé có vẻ như ràng buộc với nhau hoàn toàn. Bạn có thể nghĩ rằng “Hình như đứa bé chỉ cần mẹ mà thôi”. Thực ra không phải như vậy. Bạn nên nhớ rằng bạn cũng là một phần quan trọng trong cuộc đời của đứa trẻ, nên đứa trẻ cũng cần bạn như nó cần mẹ nó vậy. Hãy cố gắng dành thời gian chơi đùa với con, dõi theo con trong từng bước đi của cuộc sống.
3. Đàn ông không biết cách chăm sóc con.
Đây là sai lầm cực lớn. Cuộc sống với đứa con là một cuộc sống mới mẻ, đầy hấp dẫn. Không chỉ người mẹ, mà người cha cũng bị cuốn theo một guồng quay mới, một nhịp sống mới do thành viên bé tí tẹo này tạo ra. Để bắt nhịp được với nó, người đàn ông cũng phải cố gắng và học hỏi rất nhiều. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có người mẹ mới có thể chăm sóc con. Người cha cũng biết cách chăm sóc con không kém gì mẹ nó đâu.
4. Những người đàn ông chăm con giỏi thì không thể là một người đàn ông xuất sắc trong công việc.
Tiếc rằng vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta suy nghĩ như vậy. Đây là một suy nghĩ thiển cận, mang tính định kiến. Người ta cứ nghĩ rằng đàn ông chỉ có thể lựa chọn, hoặc công việc, hoặc gia đình mà thôi. Mà thực tế là đa phần đàn ông đều lựa chọn công việc. Họ không tham gia (hay tham gia rất ít) vào việc nhà và chăm sóc con cái. Nhưng nhân loại đang ngày càng tiến gần đến một tiêu chuẩn mới trong văn hoá, xã hội. Ngày càng có nhiều người đàn ông vừa “đảm việc nước”, vừa “giỏi việc nhà”. Bên cạnh công việc, họ cũng tìm thấy cho mình những niềm vui mới khi chăm sóc con cái. Mà rõ ràng điều này vừa làm cho vợ chồng con cái gần nhau hơn, lại vừa làm cho những người đàn ông hạnh phúc vì tìm thấy ý nghĩa đích thực của từ “Cha”.
5. Lấy cha mình làm chuẩn mực duy nhất.
Khi bạn có con thì cha của bạn trở thành ông. Ông ấy sẽ có những trách nhiệm mới trong việc chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng ông ấy là ông ấy và bạn là bạn. Đừng bao giờ cố gắng để dạy con mình theo những gì ông ấy đã dạy bạn. Hãy học tập ở cha những phương pháp nuôi dạy đúng đắn, còn điều gì chưa đúng thì hãy tránh. Đừng bao giờ đi lại vết xe đổ của người đi trước. Hãy nhớ rằng ông ấy sẽ chỉ là một trong những người có ảnh hưởng đến bạn thôi, ngoài ra bạn còn phải tham khảo cách dạy con của bạn bè, họ hàng và tự tìm ra cho mình một lối đi riêng.
Trên đây là những sai lầm mà người cha thường hay mắc phải. Tất nhiên, người ta không thể đề ra những chuẩn mực chung cho khái niệm về “một người cha tốt”, bởi những nền văn hoá khác nhau sẽ tạo ra những tiêu chuẩn khác nhau. Có những nơi, một người cha tốt phải lo chu toàn cho cả gia đình về nhà ở, thức ăn và giáo dục. Nhưng có những nơi một người cha tốt đồng nghĩa với việc người đó phải biết dạy con cách kiếm ăn (nhiều nơi ở châu Phi)…. Như vậy nghĩa là có rất nhiều cách khác nhau để có thể đánh giá về vai trò của một người cha, nhưng trước hết có lẽ chúng ta cần phải tìm ra cách để đối mặt với 5 sai lầm kể trên. Hãy nghe lời khuyên của các chuyên gia tâm lý:
* Hãy dành thời gian để suy nghĩ về vai trò của một người cha trong gia đình mà bạn sẽ phải đảm nhiệm. Chia sẻ quan điểm đó với vợ và các bạn bè của mình.
* Hãy thường xuyên chơi đùa và nói chuyện với con. Cho dù là bé mới sinh thì cũng đừng nghĩ rằng bé không hiểu gì. Thực ra đứa trẻ đã có điều kiện tiếp xúc với cha mẹ từ khi còn là một bào thai, nên chúng có thể cảm nhận hết được những gì bạn muốn nói.
* Hãy học cách thay tã cho con, tắm cho con. Vì đây cũng chính là thời gian mà bạn và bé có thể vui đùa cùng nhau.
* Hãy làm những gì bạn là cho là tốt nhất để có thể trở thành một người cha tốt. Học tập kinh nghiệm của những người xung quanh mình-những người đã làm cha và tự tìm ra cho mình cách thức đúng đắn nhất.