Ảnh: Corbis.com. |
Phần lớn các bậc cha mẹ thường phải nhượng bộ khi bé cố đòi mua một món đồ đắt tiền dù không cần thiết. Nhưng bé cần phải biết rằng không phải muốn thứ gì là có thứ đó. Nếu muốn, bé hãy tự tiết kiệm tiền để mua.
1. Coi tiền như rác
"Bố (mẹ) kiếm được bao nhiêu?" "Cái này giá bao nhiêu?"..., đã bao giờ bé hỏi bạn những câu hỏi này? Bạn có nói với trẻ rằng hỏi như thế thật không lịch sự? Nếu nói thế là bạn đã bỏ lỡ cơ hội để giải thích cho con hiểu từ đâu mà có tiền và phải chi tiêu như thế nào.
Rõ ràng bạn không cần thiết làm con lo lắng vì phải chi tiêu tằn tiện với số tiền ít ỏi của cả nhà, nhưng bạn có thể chia sẻ một chút với con. Chẳng hạn, hằng ngày bạn đi chợ hết bao nhiêu tiền hoặc tiền gas hàng tháng là bao nhiêu, điều này sẽ giúp bé hiểu nhiều hơn về giá trị của đồng tiền.
Vì thế lần sau, nếu bé rời phòng mà vẫn để điện sáng, bạn hãy nói: "Con hãy tắt điện đi. Điện cũng phải trả bằng tiền", điều này tốt hơn là nói bạn trả bao nhiêu cho hóa đơn tiền điện hàng tháng.
2. "Nếu con muốn, con sẽ có nó"
Bạn không nên nói điều này. Phần lớn các bậc cha mẹ thường phải nhượng bộ một phần nào đó khi bé muốn mua chiếc quần jeans của hãng danh tiếng, máy nghe nhạc iPod hoặc là một cái gì đó tốn kém dù không cần thiết.
Nhưng ai cũng phải học, rằng trẻ không thể có bất cứ thứ gì mình muốn bởi đơn giản là vì trẻ không đủ khả năng chi trả cho những đồ đó. Nếu bé muốn mua một đồ chơi đắt tiền, bạn có thể chỉ cho con biết cách để dành tiền hàng tháng như thế nào (và nếu bạn muốn, bạn có thể đóng góp một phần cho bé).
Bài học này là cần thiết. Bé sẽ biết cách trân trọng bất cứ thứ gì đáng giá vì bé đã phải dành dụm tiền để mua nó.
3. "Đừng lo lắng, mẹ sẽ cho con tiền"
Bé đã chi tiêu không hợp lý, và bạn rất sẵn lòng giúp bé trong tình huống đó: "Đừng lo lắng, mẹ sẽ cho con tiền". Bạn không nên nói như vậy. Nếu bạn đã giúp bé một lần, thì rất có thể bé sẽ hy vọng bạn lại làm điều này lần nữa.
Nếu bé tiêu hết tiền để mua kẹo hoặc đồ rẻ tiền và sau đó thì không đủ tiền để đi xem phim cùng các bạn, lúc ấy bé sẽ học được bài học thú vị về giá trị của việc dự tính chi tiêu. Bé sẽ biết phải cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua thứ gì.
4. Bạn không làm đúng theo những gì dạy bé
Nếu bạn quản lý vấn đề tài chính của mình không tốt, thì có thể bé cũng sẽ học theo bạn. Thật vô ích nếu bạn giảng giải cho con cách quản lý tài chính của mình cho thật tốt và sau đó thì làm ngược lại. Trẻ học được bằng cách quan sát cha mẹ của mình và học theo. Bạn đừng hy vọng rằng bé sẽ làm những gì bạn nói mà bé học theo cách bạn làm. Vì thế, bạn hãy kiên nhẫn và làm gương cho con.
5. Tiền bạc có thể mua được tình cảm
Điều này là không thế. Nếu bạn cố gắng lấp liếm tội lỗi của mình bằng cách cho trẻ nhiều tiền hơn mức cần thiết với lứa tuổi của con, mua những món quà quá đắt tiền hoặc đáp ứng những yêu cầu vô lý của bé. Bạn đang gửi cho con thông điệp nguy hiểm rằng tiền bạc có thể thay thế được tình cảm, sự chấp thuận và yêu thích. Dĩ nhiên tiền là điều cần thiết, nhưng không bao giờ được sử dụng là công cụ để đạt được tình cảm.
Nam Phương (theo Parent24)