Sơn cho móng bị yếu
Theo BS Nguyễn Trọng Hào, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thành phần chính có trong nước sơn móng là nitrocellulose. Đây là một chất ổn định, giúp tăng cường sức mạnh về mặt cơ học cho móng. Chất này có nguồn gốc từ cellulose thực vật và dễ hòa tan trong dung môi hữu cơ. Ngay khi được sơn lên móng, nước sẽ bốc hơi để lại một lớp mỏng nitrocellulose cứng.
Ngoài ra, trong nước sơn móng còn có một số chất khác như: vinyl, methylacrylate và cellulose acetate. Tuy nhiên, các chất này không chắc và không tạo nên độ cứng bề mặt móng như nitrocellulose.
Khi sơn móng, chị em nên phết đều nước sơn lên bề mặt. Chú ý tránh để nước sơn dính lên nếp da và vùng quanh móng, tốt nhất là sơn từ đáy móng hướng về phía bờ tự do. Trong trường hợp phết quá nhiều sơn, dính sang cả vùng xung quanh móng, nên lau cẩn thận bằng que cotton nhúng trong chất tẩy sơn móng.
Ảnh: Internet |
Ngoài việc sơn móng bị yếu, chị em có thể sử dụng chất giữ ẩm cho móng. Mục đích của những sản phẩm này là làm ẩm cho bản móng, chúng thường chứa protein, acid béo, lanolin và amino acid. Những sản phẩm mới còn chứa vitamin và một số tinh chất từ thực vật.
Tác dụng phụ của thẩm mỹ móng
Móng bị “ăn” mòn: Nước sơn móng luôn đem lại nét đẹp, tuy nhiên việc sử dụng nước sơn cũng phải hết sức thận trọng. Nếu sử dụng sơn móng sậm màu trong thời gian dài có thể dẫn đến nhuộm màu móng. Dĩ nhiên, theo thời gian màu sẽ nhạt dần khi móng mọc ra thêm, nhưng phải chờ đợi lâu. Vấn đề này có thể phòng ngừa bằng cách sơn một lớp nền không màu lên móng trước khi sơn móng.
Dị ứng nước sơn: Phản ứng dị ứng có thể biểu hiện dưới dạng đỏ, bỏng, ngứa, nhạy cảm và sưng không chỉ giới hạn tại vùng quanh móng. Mặt khác, do móng tay tiếp xúc với các vùng khác trên cơ thể (khi gãi mũi hay dụi mắt) nên phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở những vùng tiếp xúc nói trên. Do đó, hiện tượng viêm da tiếp xúc do sơn móng có thể xuất hiện trên mí mắt, những vùng khác nhau của khuôn mặt, hay bộ phận sinh dục.
Tổn thương cấu trúc móng: Mục đích của chất làm cứng móng là tăng độ chắc chắn của móng. Đáng nói, một số chất làm cứng móng có chứa formaldehyde. Vì ở nồng độ cao, formaldehyde có thể gây tác dụng phụ nặng nề và làm tổn thương cấu trúc móng. Khi sử dụng chất làm cứng móng, nên dùng tấm che để bảo vệ vùng da xung quanh bản móng.
Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng những chất làm cứng móng có chứa hơn 5% formaldehyde. Những năm gần đây, formaldehyde đã được thay thế bởi các chất khác như: polyesters, polyamides và acrylate polymers. Chỉ nên bôi chất làm cứng móng lên hai cạnh bên của móng, bởi đây là những phần móng dễ tách hay vỡ nhất. Tránh để cho chất làm cứng móng dính lên vùng quanh móng hay nếp móng.
Chất tẩy sơn móng
Dung dịch thường được sử dụng để tẩy sơn móng là acetone. Tuy nhiên, chất tẩy sơn móng có thể làm cho bản móng trở nên khô và gây kích ứng cho mô xung quanh. Khô móng có thể dẫn đến giòn móng. Để tránh tình trạng này, chị em không nên dùng chất tẩy sơn móng quá thường xuyên, tốt nhất không hơn một lần/tuần. Nên dùng loại chất tẩy sơn móng chứa chất béo, ít gây khô móng. Phải rửa sạch tay sau khi sử dụng chất tẩy sơn móng vì chất tẩy sơn móng về cơ bản là độc và nếu hít phải sẽ gây nguy hiểm.
Ngọc Hà (ghi)