Khi hai người cãi nhau, nửa kia đã giận quá rồi còn bạn biết rõ rành rành mình đã sai thì phải làm sao? Nói lời xin lỗi thật khó, nhất là khi bên kia vẫn còn “sôi như lửa”.
Dù sao thì chuyện cũng xảy ra rồi, sẽ chẳng hay ho gì nếu bạn cứ tỉnh queo coi như chẳng có gì đáng phải bận tâm cả.
Cô ấy sẽ không thể chấp nhận được nếu nhận thái độ dửng dưng của bạn: “Thôi được rồi, anh đang muốn uống cà phê, anh pha luôn cho em một cốc nhé?” chỉ đúng 5 phút sau khi bạn vừa hét vào mặt cô ấy những câu thô lỗ cục cằn. Làm vậy khác nào trêu ngươi người ta, bạn coi cô ấy chẳng hơn gì cái thùng rác cho bạn xả cơn khi tức giận?
Tốt nhất là đừng có kiêu ngạo quá, hãy cho cô ấy thấy bạn cũng biết mình sai, và nếu không muốn phải nói lời xin lỗi, ít ra cũng nên tỏ ra rằng chuyện xảy ra làm bạn muộn phiền, suy nghĩ lắm.
2. Thú nhận mình đã sai
Trong trường hợp bạn là người phải chịu trách nhiệm về mọi rắc rối đã xảy ra, dù không thể nói xin lỗi, hãy thừa nhận mình sai - “tất cả là tại anh”. Nhớ, thái độ đi kèm rất quan trọng.
3. Hành động đúng kiểu hối lỗi
Nếu đã trót gây ra lỗi lầm, làm kẻ châm ngòi nổ cuộc cãi vã, thì sau đó nên tìm mọi cách bù đắp, cư xử thật tử tế với đối phương, để họ còn thấy dù sao bạn vẫn có phần dễ thương mà mềm lòng tha thứ.
4. Không phạm cùng 1 lỗi đến lần thứ 2
Làm được việc này còn tốt hơn gấp ngàn lần nói lời xin lỗi. Bởi xin lỗi có ích gì đâu nếu sau đó bạn lặp lại y nguyên lỗi lầm. Con người phải nói xin lỗi đến lần thứ 4 về cùng một cái sai của mình nên biết tự chán ngán bản thân, bởi luôn làm người khác thất vọng.
5. Đề nghị được làm gì đó
Đừng hỏi “Anh phải làm gì em mới tha thứ đây?”, tốt nhất cứ làm đi đã, bất kể điều gì bạn có thể nghĩ ra. Không bàn đến quà cáp ở đây (đừng nghĩ sẽ dùng vật chất để chuộc lại những tổn thương tình cảm đã gây cho người khác). Hãy làm những việc nho nhỏ nhưng đáng yêu mà chỉ người “có lỗi” mới làm, ví dụ tự động xin rửa bát cho vợ, xung phong đổ rác dù hôm ấy trời mưa, hay nhường cho nửa kia miếng bánh kem dù anh/cô ấy không thèm lấy.
Bạn biết đấy, những kiểu hành động thay lời nói: “Thôi em, anh biết, biết là tại anh rồi. Anh xin lỗi, nhưng nhìn xem, em sẽ lại yêu anh thôi, nhìn xem, dễ thương này. Anh chưa bao giờ chịu đi đổ rác ngay cả khi ngoài trời nắng đẹp đâu đấy…”.
6. Lên kế hoạch cho một bất ngờ nhỏ
Cãi nhau chỉ làm mất thời gian bởi nếu chuyện không xảy ra, hai người đã có thể cùng làm những điều khác thú vị hơn nhiều. Mỗi cuộc chiến phải kết thúc với việc một người nói xin lỗi người kia sẽ để lại “dấu ấn” không vui, bởi thế hãy lên kế hoạch cho một bất ngờ nhỏ, tái tạo kỷ niệm ngọt ngào để xoa dịu những tổn thương đã có.
7. Bắt chước trẻ con
Trẻ con rất ngây thơ và ngọt ngào, chúng không quan tâm đến vật chất bao giờ, sẵn sàng trao đổi đồ chơi yêu thích nhất chỉ để thấy người mình yêu thương vui vẻ. Chiểu theo quan sát đó, nếu nửa kia của bạn đang buồn và nguyên nhân xuất phát từ bạn, hãy nói với họ bạn sẽ quay lại trong 5 phút, sau đó ra ngoài, kiếm lấy bông hoa đầu tiên bạn nhìn thấy rồi quay về tặng người ta.
Cuối cùng hãy nhớ rằng, bất kể bạn chọn cách xin lỗi nào đều không thể thiếu sự chân thành đâu nhé.