Họ là đại diện cho hai phái trên thế giới vốn không thể tách rời. Họ cùng ăn, cùng ngủ, cùng sống, cùng yêu thương. Nhưng ở họ vẫn có những khác biệt cơ bản nhiều khi thú vị.
- Nhìn vào bức tranh, các Adam có thể thấy một cơn bão nhưng các Eva chỉ hiểu đó là bức tranh mà thôi.
Ấy là vì đàn ông có khả năng định hướng. Họ quan tâm tới thành quả. Còn phụ nữ thường chỉ mơ về hình ảnh người chồng hay những đứa con trong tương lai.
- Đàn ông muốn đạt được thành tích đề ra. Nếu phải mua bán gì, họ sẽ mua đúng thứ mình cần. phụ nữ thì khác. Họ phải “nhân tiện” mua nào tăm, nào gia vị, sữa tắm, và quần áo cho cả nhà.
- Ai cũng bảo đàn ông tiêu tiền rất giỏi. Thực tế, đàn ông và đàn bà mỗi người tiêu tiền một kiểu nhưng mức độ thì chẳng ai kém ai.
- Tiền là thứ bảo đảm với đàn ông nhưng phụ nữ cho nó là thứ thể hiện tình yêu và hạnh phúc. Sự khác biệt này khiến đàn ông rất dễ bị dán mác “ki bo” khi vợ so sánh giá trị giữa chiếc CD cô ấy thích với chiếc áo đắt tiền.
- Đàn ông mua một chiếc áo khoác và mặc tới khi hỏng khóa, bạc màu. Đàn bà mua tới vài chiếc, mặc và để dành, có khi không mặc lại cho đi.
- phụ nữ có thể sống nghèo và tiết kiệm một chút. Nhưng đàn ông thì chán nản khi phải ăn tiêu dè xẻn, dù họ chẳng có nhiều tiền. Ấy là do đàn ông luôn có sự cạnh tranh, còn chị em thì muốn chia sẻ.
- Đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn vợ, tự cho mình quyền quyết định mọi việc. Đàn bà kiếm được nhiều tiền vẫn muốn có sự đồng ý của chồng khi chi tiêu.
Vì thế, khi tiêu một món tiền lớn, đàn ông tự quyết, còn phụ nữ phải bàn bạc thống nhất cả nhà.
- Đàn ông trúng quả, họ cho đó là sự thông minh; khi mất tiền, họ cho đó là sự may rủi. phụ nữ kiếm được tiền, họ tin là đang được phù hộ; khi mất tiền, họ tự dằn vặt mình sao dại thế.
- Đa số đàn ông khôn ngoan đưa tiền cho vợ giữ (tất nhiên, vẫn có quỹ đen). Theo họ, như thế cả hai vợ chồng đều an tâm không lo thất thoát lớn.
Còn đàn bà, giữ đồng tiền nào là chắc đồng tiền ấy. Đây là cách họ thể hiện sự gắn bó và trách nhiệm với gia đình, đẩy lùi cảm giác mình “ăn bám”.
Theo Gia Đình & Xã Hội