Chẳng phải ngẫu nhiên mà 1/3 thời gian của cuộc đời, chúng ta dành để... ngủ. Bởi lẽ khi ngủ, mọi cơ quan trong cơ thể sẽ được nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng sống.
Tăng cường hệ miễn dịch
Nếu “tiết tiệm thời gian” bằng cách cắt xén bớt giấc ngủ thì cuối cùng chính bạn lại đang lãng phí sức khỏe của chính mình. Nhưng hơn hết, giấc ngủ giúp tăng cường sức đề kháng.
Khi ta ngủ, hầu hết các cơ quan trong cơ thể sẽ giảm cường độ hoạt động. Nhưng một số cơ quan khác lại hoạt động tích cực hơn. Đó chính là các cơ quan sản xuất ra hóc môn tạo nên sức đề kháng cho cơ thể.
Khi bạn thức, hệ miễn dịch phải gồng mình tập trung lực lượng đối đầu với đủ lại kích ứng từ môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể. Chỉ khi cơ thể chìm trong giấc ngủ sâu, các loại bạch cầu và thực bào có công năng truy lùng độc chất, các loại vi trùng, siêu vi trùng, khuẩn và tế bào ung thư... thường mới bắt đầu hoạt động.
Dưới ảnh hưởng của nhịp độ sinh học, hoạt tính kháng bệnh của hệ miễn nhiễm sẽ chấm dứt vào 3 giờ sáng. Do đó, người càng thức khuya thì khoảng thời gian hoạt động sức đề kháng bệnh càng bị thu hẹp. Ngược lại, người tập thói quen ngủ sớm là người biết cách nới rộng giờ làm việc của kháng bào.
Hiện tượng giảm bạch cầu ở những người thiếu ngủ cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ung thư và một loạt các căn bệnh khác ở hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa. Thiếu ngủ còn cũng là một căn nguyên của stress.
Hơn thế, thiếu ngủ còn làm giảm tác dụng của các loại vacxin. Nguyên nhân cũng chính là do cơ chế hoạt động về đêm, khi cơ thể giảm hoạt động trong giấc ngủ say của hệ thống miễn nhiễm.
Những vấn đề của giấc ngủ
Giấc ngủ điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp cho bộ não được nghỉ ngơi, loại trừ stress, tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và sự sáng suốt. Trong khi ngủ, trái tim được giảm cường độ hoạt động, nhịp độ của hệ tuần hoàn ổn định hơn, huyết áp giảm... |
Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác. Với những người bị chứng mất ngủ việc đi vào giấc ngủ và duy trì nó trở nên khó khăn, làm cho thời gian ngủ ít đi và chập chờn không sâu.
Tuy nhiên, nếu chỉ mất ngủ thoảng qua một vài hôm thì không thể coi là rối loạn giấc ngủ. Chỉ có thể coi là bị bệnh khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng.
Một người trưởng thành bình thường cần ngủ đủ 8h mỗi ngày. Hiện nay, cuộc sống công nghiệp khiến chúng ta ngủ ít hơn khoảng 1h so với 20 năm trước và 2h so với năm 1910. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng khiến... mất ngủ thêm đấy!
Điều quan trọng là hãy biết học cách “lắng nghe” các tín hiệu của cơ thể. Một giấc ngủ chất lượng là khi bạn tự nhiên đi vào giấc ngủ êm đềm sau 30 phút ngả lưng và cũng tự nhiên thức dậy một cách sảng khoái và thư thái.
Thời gian để ngủ hợp lý nhất là từ 10h tối đến 6h sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, mốc thời gian này còn tùy thuộc vào nhịp độ sinh học và thói quen riêng của mỗi người.
Một số người, do công việc bắt buộc đã tự tạo thói quen đi ngủ sau nửa đêm và thức dậy vào khoảng 9-10 giờ sáng hôm sau mà vẫn khỏe mạnh, tươi tỉnh. Cơ thể chúng ta có thể tự điều chỉnh nhu cầu ngủ sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Làm thế nào để có giấc ngủ ngon? - Không gian yên tĩnh và môi trường trong lành trong phòng ngủ là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, nệm ngủ cũng phải thích hợp với thể trạng và thói quen của từng người. - Chớ coi thường giấc ngủ trưa. Lý do là sau một buổi sáng làm việc, khả năng tư duy và thể lực của chúng ta sẽ giảm đi vào khoảng 13h và gần như rơi vào trạng thái trì trệ vào cuối giờ chiều. - Đừng ăn no trước khi ngủ và không uống cà phê vào buổi chiều. Cả thuốc lá và rượu đều có thể làm hỏng giấc ngủ của bạn. - Những hoạt động yên tĩnh như đọc sách, yoga và thiền sẽ có tác dụng tốt cho giấc ngủ. - Tập thể dục và cuối ngày sẽ góp phần tạo ra một đêm trắng. Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để rèn luyện thân thể. - Nếu bạn đã mất 15 phút trằn trọc trên giường thì nên ngồi dậy. Thay vì nằm trên giường và bực bội vì không thể ngủ được, hãy ra khỏi giường, đọc sách hoặc làm một việc gì đó thư giãn. |
Theo Netmode