Dường như mọi người (mà nhiều nhất là phụ nữ) đều lầm tưởng rằng công dung ngôn hạnh đồng nghĩa với xinh đẹp, nhẫn nhịn, giỏi chịu đựng, giàu đức hy sinh và ăn nói nhẹ nhàng, thuỳ mị. Nếu vậy thì tôi có thể khẳng định rằng đó là những suy nghĩ quá ấu trĩ, lỗi thời và máy móc. Vì sao?
Là đàn ông thuộc thế hệ "7x đời đầu", tôi cho rằng cách nói năng dễ thu hút phái mạnh ở một người phụ nữ hiện đại là phải dịu dàng nhưng cương quyết, thông minh vừa đủ để biết lúc nào thì nên thể hiện mình hơn hay kém người đối diện. phụ nữ khôn ngoan biết rõ lúc nào nên cương, lúc nào cần phải nhu chứ lúc nào cũng nhún nhường, yểu điệu quá cũng dễ nhàm.
Nhiều phụ nữ ngày nay cứ vin vào chuyện bình đẳng giới để đặt mình ngang hàng với đàn ông khi họ có khả năng kiếm ra tiền và bỏ bê chuyện nhà cửa, con cái hoặc phó mặc cho các dịch vụ hỗ trợ, thậm chí họ cho mình "ngang cơ" với các ông trong các cuộc tranh cãi hay những vấn đề cần quyết định.
Lại có những bà, những cô đặt nặng chữ "dung" đến mức sẵn sàng bỏ tiền triệu để "mông má" lại nhan sắc của mình khi họ không vừa ý nhưng lại không hiểu rằng việc đàn ông thờ ơ với họ chẳng phải vì cái dung nhan có hạn mà vì cách họ ăn nói bỗ bã, "dùi đục chắm mắm nêm" hay vì không biết cách chăm sóc chồng con, quán xuyến gia đình, cách ứng xử, đối đãi trong ngoài hay trau dồi năng lực.
Anh bạn tôi làm trưởng văn phòng đại diện một thương hiệu lớn của nước ngoài, ăn nói có duyên, phong độ, lịch lãm, biết anh có gia đình nhưng nhiều cô vẫn tình nguyện làm thiêu thân xin chết nhưng anh chưa bao giờ phản bội vợ dù ai cũng biết vợ anh chỉ là một kế toán viên bình thường với nhan sắc trung bình. Nhưng sau vài lần đến nhà anh chơi, chúng tôi mới hiểu tại sao anh tôn trọng vợ đến vậy. Không chỉ nói năng duyên dáng, hiểu biết và cực kỳ dí dỏm, thông minh, vợ anh còn nấu ăn rất ngon. Nhìn cách bày biện, trang hoàng nhà cửa đủ biết khiếu thẩm mỹ và tài vén khéo của chị vì nhà không có người giúp việc. Rõ ràng, trong hạnh phúc của gia đình anh, chữ "dung" và chữ "công" chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Ông bà ta xưa kia đã đề ra tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ, đó là “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Người phụ nữ phải chu toàn những nghĩa vụ với gia đình, lời nói phải như hoa như gấm, đức hạnh vẹn toàn, còn phải biết giữ gìn vẻ đẹp của riêng mình cho đẹp mặt chồng con… Bốn tiêu chuẩn đó đã là những “định mức” quá khó khăn dưới một thời đại phong kiến, khi người phụ nữ chỉ biết việc nhà và sống cho gia đình.
Ngày nay, khi vai trò của người phụ nữ đã vượt ra khỏi giới hạn gia đình, tham gia những hoạt động xã hội, đóng góp cho kinh tế gia đình… thì “Công Dung, Ngôn, Hạnh” có còn là điều để người phụ nữ Việt phấn đấu và đạt được hay không?
Liệu điều đó có tạo thêm những áp lực nặng nề cho phụ nữ khi họ đã phải bình đẳng với đàn ông trong xã hội về mặt sự nghiệp, tài chính, lại vừa phải là người phụ nữ theo kiểu mẫu xa xưa?
Hay “Công, dung, ngôn, hạnh” vẫn cần và vẫn là nét đẹp không thể thiếu đối với người phụ nữ?