Việc nhà có đảm việc nước mới yên
Tuần qua, khi tư vấn tâm lý học đường trên một tờ báo, tôi nhận được bức thư của một nữ sinh viết như sau: “Cô ơi! Con là học sinh giỏi, con rất mê học nhưng rất dở việc nhà. Má con dù hài lòng về chuyện học hành nhưng hay rầy con và nói học giỏi chưa đủ vì sau này con sẽ làm vợ làm mẹ. Nhưng con nghĩ rằng sau này làm việc có tiền con sẽ mướn người làm. Mình chỉ cần đứng ra tổ chức thôi”. Tôi chia sẻ với em lời dặn của mẹ tôi: “Cho dù sau này có là bà chủ, con phải biết cầm cây chổi mới có thể sai bảo người làm quét nhà cho vừa ý”.
Tôi cũng kể với em về kinh nghiệm bản thân tôi khi qua Mỹ học lúc 19 tuổi. Ở ký túc xá, sinh viên phải tự lo giặt giũ và vệ sinh phòng mình. Trong khi các bạn Mỹ rất giỏi thì tôi đứng xớ rớ không biết bắt đầu chỗ nào. Tôi vô cùng xấu hổ và tập tành từ đầu.
Khi về VN, ba tôi mừng cho cái bằng xã hội học một phần thôi nhưng mừng nhiều cho sự thay đổi của tôi đối với công việc tay chân. Tôi còn giải thích cho em ý nghĩa của việc chăm sóc nhau qua những việc bình thường để thổi cái hồn vào cuộc sống hằng ngày.
Một cán bộ nữ ở Văn phòng Chính phủ cho biết bà luôn tự tay nấu bữa cơm tối cho gia đình, bởi vì theo bà, đó chính là nét đẹp tâm hồn của phụ nữ và người đàn ông luôn yêu họ hơn vì nét đẹp này.
Gần đây, Chính phủ Singapore kêu gọi người dân của họ cố gắng gìn giữ bữa cơm gia đình vì nó là cơ hội sum họp, lắng nghe và hiểu nhau. Nếu coi nếp nhà là quan trọng và ý nghĩa thì bận cách mấy chúng ta cũng có thể sắp xếp được.
Từ từ chúng ta sẽ quen với nếp sống công nghiệp và giữ được nếp nhà.
Kéo chồng vào bếp
Nếu các bà vợ ở trong bếp mà ông chồng nằm dài ở phòng khách đọc báo thì có khi khó cho các chị tránh cảm giác “tôi đòi”. Đất nước đang chuyển mình, phụ nữ phải đảm trách nhiều công việc, nhưng cũng có nhiều người bắt đầu hợp lý hóa công việc nhà.
Cách đây vài năm, khi sang Mỹ, tôi được chị Tú Anh - bạn tôi ở New York - mời về nhà dùng cơm. Chị là tiến sĩ giáo dục học. Chồng chị - anh Jim, người Mỹ - là bác sĩ tâm thần. Con cái anh chị đã sống riêng. Tới nhà, anh Jim tiếp chúng tôi khi chị chuẩn bị món ăn trong bếp. Ngay sau đó anh chị đổi vai trò. Anh làm người hầu bàn, dọn thức ăn, rót rượu… đi ra đi vô giữa phòng ăn và nhà bếp.
Chị ngồi đầu bàn tiếp khách. Xong bữa ăn chị trở ra phòng khách với chúng tôi. Còn anh thì mang tạp dề dọn dẹp bàn ăn, sắp xếp bát đĩa vô máy rửa chén. Xong xuôi mới ra phòng khách với chúng tôi. Mọi sự đâu ra đó thật êm xuôi dễ dàng.
Để thích nghi với cuộc sống hiện đại, các gia đình dù giàu có cũng nên tập cho con, nhất là con trai, làm việc nhà, nấu cơm… Một khi đã thành thói quen thì mọi sự không còn là vấn đề nữa.