Kinh nghiệm dân gian bảo rằng “Chén đĩa trong chạn còn khua nhau”, huống hồ là vợ chồng. Thế nhưng, nhiều đôi “trái khoáy” lại cảm thấy phải cãi nhau thì mới... hạnh phúc.
Cái sự cãi nhau nhiều khi vì những thứ “nên hình nên dạng”, nhưng nhiều khi, nó cũng chẳng vì một chuyện gì cả. Nhiều đôi đã bắt đầu cãi nhau từ lúc… chuẩn bị làm đám cưới.
Từ chuyện chọn thiệp kiểu gì, mời những ai, cho đến thực đơn đãi khách ra sao, làm ở nhà hàng nào… Nàng thích cầu kỳ, làm “oai” với bạn bè, họ hàng vì đời người con gái mới có một lần sang sông. Còn chàng, thực dụng hơn - mà trong thời buổi này, cái sự thực dụng của chàng cũng đáng được cảm thông, chứ không phải là chê trách, bởi nghĩ đễn gáng nặng sẽ dồn lên đầu khi đã là “trụ cột của gia đình”.
Thế là hai người cam đoan với nhau cùng một duyên số đã có sự không đồng thuận với nhau. Tuy nhiên, lúc này vì tình còn nồng nên mọi việc không ầm ĩ mà chỉ diễn ra ở dạng “hục hoặc” bởi họ không thể hoãn ngày cưới đã định sẵn lại được!
Rồi khi về sống chung được vài ngày, đôi uyên ương sinh sự chỉ vì… cái ảnh cưới. Nàng nhất quyết đòi treo trong phòng khách, còn chàng khăng khăng đem nó vào phòng ngủ, vì “Để phòng khách trướng mắt không chịu nổi” - “Anh hối hận vì đã cưới tôi hay sao mà phải đem ảnh giấu vào phòng ngủ?”, nàng bẻ lại.
Chuyện nhỏ như vậy mà không nhịn được tất chuyện lớn sẽ không êm đẹp. Hai bên gia đình khó xử vì những cuộc điện thoại ỉ ôi báo tội.
Mới vài ba ngày nàng đã tay xách nách mang về nhà bố mẹ đẻ. Chàng như thấy trống vắng một điều gì, kỳ lạ…Hình như, thiếu sự cãi cọ làm chàng bứt rứt, khó chịu. Thế là chàng lại sang nhà cha mẹ vợ rước nàng về dinh theo “chỉ thị” của bố vợ. “To đầu lớn xác rồi mà còn như trẻ con”. Hình như, họ vẫn là trẻ con thật, vì tuy cãi nhau nhưng thiếu một người thì người kia ăn không ngon ngủ không yên.
Mỗi người lý giải theo một cách riêng của mình. Nhưng họ vẫn không thể không thừa nhận một điều: Bởi đó là tình yêu.
Hương Đinh