Số liệu thống kê cho thấy, trong gần 50% những cặp ly dị, có 75% trong số đó tái hôn và 65-70% những cuộc tái hôn tiếp tục kết thúc bằng việc ly dị.
Điều này cho thấy chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả về thể chất và tinh thần để có được cuộc tái hôn hạnh phúc. Và dưới đây là những điều bạn cần lưu ý:
Chuẩn bị tâm lý cho con cái
Nếu bạn chưa có con, chuyện tái hôn đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng khi bạn có con, bạn cần chuẩn bị tâm lý để bé đón nhận chuyện tái hôn của bạn, cũng như việc có thêm một ông bố, bà mẹ khác nữa.
Bạn cần dành nhiều thời gian gần gũi và trò chuyện với trẻ để nó hiểu được là người mới không cướp mất mẹ hoặc bố của chúng mà chính là người sẽ bù đắp tình cảm, là chỗ dựa vững chắc cho bạn và con trong những tháng ngày tiếp theo.
Bạn cũng nên tạo điều kiện để người đến sau được gần gũi, quan tâm đến bé. Hãy tinh ý và khách quan khi nhìn nhận xem người đến sau có thực sự yêu thương con của bạn không? Đừng mù quáng nghĩ rằng, thời gian sẽ mang đến tình cảm cho họ nếu ngay từ đầu cả hai đã không có chút thiện cảm nào dành cho nhau. Bạn cần phải biết họ có thực sự yêu thương con bạn không, hay chỉ cố làm ra điều đó để bạn vui lòng. Vì vậy, khi bạn muốn tái hôn, đừng quá vội vàng, bạn sẽ cần thời gian để kiểm chứng tình cảm của người mới dành cho bạn và con của bạn.
Gây dựng tình cảm với con riêng của người mới
Tương tự như vậy, bạn cũng sẽ cần thời gian để gần gũi với con riêng của người mới nếu họ có. Việc này không hề đơn giản khi phải dung hòa giữa: con anh - con em - con chúng ta. Nhưng phải làm được điều này mới nên tái hôn, còn nếu bạn chưa tự tin thì đừng vội vàng vì rất có thể, cái kết của cuộc hôn nhân sẽ đến sớm hơn là bạn tưởng.
Hãy bao dung, yêu thương con chồng nếu bạn cũng muốn anh ấy yêu thương con mình. Nên đặt sự công bằng lên hàng đầu trong mối quan hệ gia đình. Sẽ không tránh khỏi những lúc bạn thiên vị con mình, nhưng sau đó hãy bù đắp cho con chồng bằng sự thật lòng và tình yêu thương chân thành của một người mẹ.
Không mang người cũ ra so sánh
"Tuy cô ấy không xinh bằng em nhưng nấu ăn thì em còn lâu mới bằng". "Chồng cũ của em chẳng bao giờ "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" như anh" ... Những câu nói tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt nhưng lại là "vết dao" đâm vào tim người ấy đấy nhé.
Suy nghĩ so sánh giữa người mới và người cũ thường xảy ra, nhưng nếu muốn cuộc hôn nhân mới yên ấm, hạnh phúc thì hãy cố gắng bỏ qua thói quen này. Các bạn cũng đừng dại mà phát ngôn ra những suy nghĩ so sánh này vì điều đó chỉ làm mọi chuyện căng thẳng, mệt mỏi hơn mà thôi.
Tự lập về tài chính
Cuộc hôn nhân mới có thể giúp tài chính của bạn vững vàng hơn nhưng cũng có thể ngược lại. Vì thế bạn nên chủ động, tự lập về tài chính của bản thân để đỡ gánh nặng cho người kia hoặc không bị phụ thuộc vào người mới. Bạn cũng nên ngồi lại, bàn luận cụ thể với người mới về những khoản tiền cụ thể để cả hai cùng cố gắng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm. Bạn cũng không nên quá chặt chẽ về chuyện tiền bạc để tránh những xung đột không đáng có.