Rất nhiều câu nói của các đức lang quân khiến vợ phát điên phát rồ và nếu người vợ nào phải nghe quá nhiều, mối quan hệ vợ chồng họ dễ rơi vào tình trạng lung lay.
"Chiếc váy đó mà em cũng mặc được ư?"
Câu nói này thực chất là lời chê bai về chiếc váy không phù hợp với vợ nhưng nó lại thể hiện thái độ dè bỉu, có chút khinh thường của người chồng về gu thẩm mĩ của vợ.
Vợ muốn nghe: "Em sẽ quyến rũ hơn nhiều nếu mặc chiếc váy tuần trước anh đã nhìn thấy đấy!".
"Cả ngày nay em đã làm cái quái gì thế?"
Nghe câu nói này, hẳn người vợ nào cũng muốn "tăng xông" bởi thời gian ở nhà, họ đã phải ngập chìm trong một núi việc mà chồng không hiểu, không cảm thông còn cằn nhằn và nghĩ mình ăn chơi cả ngày.
Vợ muốn nghe: "Chắc hẳn lũ trẻ đã khiến em mệt nhoài rồi. Để anh lấy cho em một cốc nước mát nhé!".
"Mẹ anh không bao giờ làm như em!"
Có một sự so sánh rõ ràng của người chồng về vợ mà mẹ đẻ của anh ấy. Và trong câu nói đó chứa đựng hàm ý không bằng lòng của chồng về cách mà vợ làm. Với họ, mọi thứ mẹ mình làm mới là đúng nhất.
Vợ muốn nghe: "Em làm cái này tốt hơn mẹ rất nhiều đấy, nhưng đừng dại mà xui mẹ nhé!".
"Em nên ở nhà trông con đi!"
Mong muốn được ra ngoài "đổi gió" của nhiều người vợ vừa nhen nhóm thì đã bị đức lang quân dập tắt hy vọng bằng câu nói trên.
Vợ muốn nghe: "Chắc em ở nhà nhiều đã chán lắm rồi. Em muốn đi đâu để anh đưa đi?".
"Anh đã đi làm cả ngày rồi đấy!"
Khi người vợ nhờ vả một việc gì đó, không ít ông chồng tỏ ra khó chịu và đáp lại bằng một câu nói đầy hậm hực như thế. Nhận được câu trả lời này, chắc hẳn người vợ nào cũng khó tránh khỏi sự tức giận.
Vợ muốn nghe: "Anh có thể giúp gì cho em?"
"Anh là người kiếm tiền nên anh có quyền quyết định đồng tiền đó chi tiêu vào việc gì"
Mâu thuẫn tiền nong luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm của mọi gia đình. Nếu người vợ không được tự quyết định chuyện kinh tế trong nhà, hơn thế nữa, họ còn bị chồng nói một cách áp đặt như trên, chắc chắn họ sẽ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng vì tiếng nói của mình về chuyện tiền bạc không có trọng lượng.
Vợ muốn nghe: "Tiền anh cũng là tiền em mà. Anh kiếm được bao nhiêu cũng chỉ để chăm sóc em và các con được tốt nhất".
"Bạn anh sẽ qua đêm ở nhà mình. Em nhớ chuẩn bị mọi thứ chu đáo nhé!"
Chồng đưa bạn về nhà là chuyện bình thường nhưng sẽ chẳng bà vợ nào thích đám bạn của chồng tụ tập qua đêm ở nhà mình, trong khi mình phải trở thành người phục vụ họ một cách nhiệt tình. Bởi thế, thông báo trên giống như "tiếng sét ngang tai" không người vợ nào muốn nghe.
Vợ muốn nghe: "Bọn anh sẽ không làm ồn đâu. Em cứ ngủ đi, anh sẽ tự phục vụ".
"Chăm con là bổn phận của em, em tự giải quyết đi"
Câu nói này thường xuất hiện trong tình huống người vợ nhờ chồng làm việc gì đó cho con như thay quần áo, trông con, dỗ con nín khóc... Không ít ông chồng đã né tránh việc chăm con bằng cách đổ hết trách nhiệm cho vợ.
Vợ muốn nghe: "Có lẽ chúng ta phải ngồi lại để tìm cách dạy dỗ bọn trẻ thống nhất mới được, đúng không em?".
"Chỉ có anh mới được quyền quyết định"
Chắc chắn chẳng người vợ nào muốn nghe sự áp đặt của chồng như thế cả.
Vợ muốn nghe: "Anh tôn trọng mọi ý kiến của em, thế nên chúng ta sẽ phải bàn về chuyện này đến khi đưa ra được quyết định thống nhất".
"Em quá may mắn khi lấy được anh"
Một số đức lang quân luôn nuôi dưỡng suy nghĩ mình hơn vợ về mọi mặt nên người lấy được mình quả là người may mắn nhất. Nghĩ và nói ra điều này, người chồng sẽ khiến vợ phát điên phát rồ vì trong cuộc sống vợ chồng, chẳng ai là người may mắn hơn ai cả.
Vợ muốn nghe: "Lấy em chính là may mắn lớn nhất cuộc đời anh!".
"Mới khó khăn tí mà em đã không biết giải quyết thì sau này làm được gì?"
Người vợ nào cũng mong được chồng giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất. Điều đó thể hiện sự quan tâm và gắn kết tình cảm vợ chồng hơn. Bởi vậy, khi nghe chồng chỉ trích như trên, phụ nữ sẽ vừa cảm thấy bị tổn thương, vừa bị xúc phạm.
Vợ muốn nghe: "Hình như em đang gặp rắc rối chuyện gì đó. Hãy nói anh nghe xem!".
"Bao giờ thì anh được ăn tối đây? Em định cho anh chết đói à?"
Phụ nữ cho rằng người chồng nói ra câu này là người không biết thông cảm với sự bận rộn và vất vả của vợ. Chính bởi vô tâm như thế nên câu nói trên dễ khiến các bà vợ phát rồ.
Vợ muốn nghe: "Chắc hẳn bọn trẻ đã 'hành' em không ít. Để anh đi nấu ăn hay gọi đồ ăn nhanh nhé".
"Anh mới nhận được một khoản tiền thưởng, anh sẽ đổi xe của anh"
Sở dĩ các bà vợ phát điên phát rồ khi chồng thông báo điều này là bởi họ có cảm giác chồng không muốn chia sẻ những thành quả đạt được với mình. Trong cách nhìn của người vợ, có một sự ích kỷ tồn tại trong quyết định trên của chồng.
Vợ muốn nghe: "vợ chồng mình sẽ làm gì với khoản tiền thưởng của anh nhỉ?"
"Tất/quần/điện thoại/cặp xách/đồng hồ... của anh đâu?"
Đàn ông là "chúa" thiếu ngăn nắp nhưng khi không tìm thấy món đồ gì, họ chỉ liên tục hỏi vợ. Điều đó khiến vợ phát điên vì không thể kiểm soát tất cả đồ đạc của chồng, hơn nữa người vợ cũng không phải người cần chịu trách nhiệm với lối sống lộn xộn kia của chồng.
Vợ muốn nghe: "Hình như anh đã để điện thoại/quần/tất... không đúng chỗ. Em có nhìn thấy chúng ở đâu không nhỉ?
"Mang cho anh cốc nước/Lấy cho anh cái bánh mì nhá!"
Nếu người vợ nghe chồng ra lệnh như trên trong bộ dạng đang co chân lên ghế chơi game hoặc nằm dài trên sofa xem tivi thì hẳn sẽ không người vợ nào kiềm chế được cơn tức giận. phụ nữ cho rằng mình không phải ô sin trong nhà nên không có nghĩa vụ phục vụ chồng mọi lúc mọi nơi.
Vợ muốn nghe: "Vợ muốn ăn/uống gì để chồng làm cho!".