Ly hôn đã trở thành một thực tế hiển nhiên luôn tồn tại trong đời sống hôn nhân và gia đình. Nhưng làm sao để kết thúc cuộc hôn nhân cho “có hậu”, làm sao để con trẻ không bị thiệt thòi, bất hạnh và được nuôi dạy tốt?
Nhiều nghiên cứu khoa học về hôn nhân và gia đình ở VN cho thấy ly hôn, ly thân có xu hướng tăng lên cùng với đà phát triển của xã hội đương đại.
Qua thực tiễn, số ca tư vấn về ly hôn chiếm 70% tổng số ca tư vấn về Luật hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân của việc ly thân, ly hôn có thể nói ngắn gọn là “không hợp nhau”.
Nhưng cụ thể thì vô cùng đa dạng: do ngoại tình, kinh tế khó khăn, vợ chồng ít quan tâm tới nhau, bất đồng quan điểm, tính cách, lối sống; chưa thông cảm với nhau trong công việc, cách làm ăn; không hòa hợp về tình dục; bất đồng trong cách nuôi dạy con; một bên vô sinh, phát hiện bệnh tật.
Trong thực tiễn cuộc sống còn đầy rẫy những nhận thức sai lầm, lệch lạc, vô trách nhiệm của người trong cuộc khi quyết định ly hôn.
Ly hôn là hết, là chấm dứt tất cả
Vì vậy, họ thiếu trách nhiệm đối với con, không hợp tác với nhau để nuôi dạy con tốt. Chẳng hạn như người không trực tiếp nuôi con không tới lui thăm nom, chăm sóc, không cấp dưỡng nuôi con. Bên nuôi con thì cố tình gây khó, cản trở hoặc cấm người kia tới lui thăm nom, chăm sóc con chung.
Cá biệt có một vài trường hợp xin được xóa họ tên cha trong khai sinh trẻ, đổi từ họ cha sang họ mẹ để mong sao “nó” mất gốc luôn.
Đổ lỗi, kể tội “đối phương”
Nhiều người sau khi ly hôn vẫn còn thù hằn hoặc cay cú người đã gây đau khổ cho mình nên thường đổ lỗi, kể tội “đối phương” cho con nghe. Hoặc là họ nói “cho bõ ghét” vô tình tác động xấu đến trẻ.
Có người còn gieo vào tâm trí trẻ hình ảnh xấu xa, lệch lạc về người cha, người mẹ đã sinh ra chúng, họ cố tình làm cho con quên đi hình ảnh của người kia.
Giành nuôi con chỉ là hình thức
Khi ra tòa ly hôn, ai cũng tỏ ra mình là người tốt, quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho con, tranh chấp về con rất gay gắt; họ tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình thương con, có đầy đủ điều kiện để nuôi con, ngược lại họ nói xấu “người kia” như là để khẳng định ưu thế của mình, thế nhưng khi giành được quyền nuôi con thì họ bỏ bê, không chăm sóc. Hoặc có người biết là “người kia” có khó khăn nên lập luận như là một sự thách thức: “Cứ để tôi nuôi, tôi không yêu cầu cấp dưỡng gì cả; còn nếu giành nuôi thì tự nuôi, tôi không chu cấp gì cả”.
Cấp dưỡng, chỉ là hứa suông, cho qua chuyện
Thực tiễn xét xử đã cho thấy có nhiều người (chủ yếu là người chồng), khi ly hôn thì sốt sắng, hứa sẽ cấp dưỡng nuôi con đầy đủ hàng tháng.
Thế nhưng khi có quyết định ly hôn thì họ cứ trì hoãn hoặc lẩn tránh việc này. Có người thì cấp dưỡng theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, có người thì “nhỏ giọt” ba cọc ba đồng, chẳng thấm vào đâu trong khi nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, học hành của con ngày một tăng cao.
Tự ti, mặc cảm không nhận sự cấp dưỡng của người kia
Chỉ vì tự ti, mặc cảm, vì thù ghét, vì cho là “nhỏ mọn” nên họ “không thèm” nhận sự chu cấp của người kia, mặc dù họ đang khó khăn. Mặt khác, cũng có những người quan niệm: “Không có anh mẹ con tôi cũng có chết đâu” nên dù có “cạp đất mà ăn” họ cũng không đòi hoặc nhận sự chu cấp. Hậu quả là con trẻ “lãnh đủ” sự thiệt thòi.
Dùng “khổ nhục kế” né tránh cấp dưỡng
Có một số trường hợp người cha dùng “khổ nhục kế” để né tránh việc cấp dưỡng nuôi con, như là: tại thời điểm ly hôn, xin thôi việc hoặc ngưng việc làm, để coi như thất nghiệp hoặc không có thu nhập thì không phải cấp dưỡng nuôi con; hoặc là họ chỉ khai mức lương cơ bản, mọi khoản thu nhập khác họ “giấu nhẹm” hết.
Đối với những người làm chủ như: doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, cơ sở kinh doanh khác thì “phù phép” để chứng minh rằng doanh nghiệp làm ăn thất bại, thua lỗ, nợ nần.
Một khi cuộc hôn nhân đã đến hồi kết thúc, hãy khoan nghĩ đến mình mà trước tiên cần nghĩ đến những đứa trẻ, kết quả của cuộc hôn nhân. Để rồi cha mẹ dù có ly hôn con trẻ vẫn được sống trong tình thương yêu, sự chăm sóc đùm bọc của cả cha lẫn mẹ để giảm thiểu thiệt thòi cho con.
(Theo Người Lao Động)