Quản lý tài chính trong nhà đòi hỏi người vợ, người chồng phải khéo léo, khoa học và tôn trọng người bạn đời. Đó là cả một nghệ thuật không phải ai cũng biết. Vấn đề là chi tiêu trong gia đình sẽ trở nên ổn thỏa nếu mỗi người đều biết cách xử sự. Điều họ cần chính là sự thẳn thắn trao đổi, tin tưởng lẫn nhau và minh bạch tài chính. Có như vậy, cuộc hôn nhân mới không đi đến bờ vực của sự đổ vỡ.
Tiền là phương tiện có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người. Dù là vợ hay chồng, dù bạn kiếm được ít tiền hay nhiều tiền, bạn cần phải hiểu được trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài chính, và hiểu được vị trí, trách nhiệm của bạn đời về chuyện tiền bạc. Chỉ cần một trong hai người cảm thấy không thoải mái về tài chính khi sống chung, “chiến tranh” rất dễ nổ ra, và đó luôn là những cuộc chiến khó chịu nhất. Nếu hai vợ chồng ít bị xung đột về tài chính, sẽ giúp gia đình bạn thoát khỏi stress sau khi kết hôn. Nếu biết cách, bạn có thể tránh hoặc giảm bớt được những cuộc tranh cãi về tiền bạc trong gia đình.
Người vợ hay người chồng có mức thu nhập cao đều muốn dành quyền quyết định trong gia đình. Nhưng, đã là vợ chồng nên giữ sự bình đẳng, không nên phụ thuộc vào việc làm ra tiền nhiều hay ít. Do đó, nguyên tắc đầu tiên trong giải quyết mọi xung đột là hãy bộc lộ thẳng thắn cho đối tác biết để tránh xảy ra tranh cãi gay gắt. Đồng thời, bạn cần giữ thái độ đúng mực trong suốt cuộc nói chuyện. Đừng quy chụp hay đổ lỗi cho nhau, điều này làm sự việc căng thẳng hơn.
Cả chồng và vợ đều có quyền sử dụng một ít tiền tuỳ theo ý muốn. Những cuộc hôn nhân hiện nay có 3 phương hướng ngăn cách: Của chồng, của vợ và của chung. Bởi dù là vợ chồng nhưng vẫn phải có sự riêng tư và quyền chi tiêu tùy ý. Khi bạn không bị áp lực về kinh tế đè nặng thì suy nghĩ cũng sẽ thoải mái hơn, cuộc sống gia đình hạn chế được xung đột.
Vợ chồng cần phải hỏi nhau tiền bạc đối với họ có ý nghĩa như thế nào, chỉ khi đó họ mới tìm ra giải pháp thoả mãn, tương trợ cho nhau. Hãy cắt giảm chi tiêu hợp lý bằng cách hạn chế những hoạt động không cấp thiết. Đồng thời, vẫn phải đảm bảo mức sống ổn định cho gia đình. Đừng vì tiết kiệm mà co hẹp khoản dành cho thực phẩm. Nó sẽ ảnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.