Gia đình không chỉ là môi trường hình thành nhân cách của con trẻ mà còn là nơi để tất cả thành viên trong gia đình tận hưởng không gian ấm cúng của tình thân. Vì vậy việc nhận diện và loại bỏ những thói quen xấu trong gia đình là vô cùng quan trọng.
Cuộc sống hiện đại khiến các thành viên trong gia đình không có nhiều thời gian bên nhau. Bố mẹ bận bịu với công việc và con trẻ mải mê với trường lớp và điều này đang có những tác động không tốt đến nền tảng truyền thống gia đình.Hãy cùng nhận diện 5 thói quen xấu của gia đình và “chia tay” chúng càng sớm càng tốt.
Không có thời gian chung của gia đình
Điều này có tác động vô cùng xấu đến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Việc có một quãng thời gian nhất định trong ngày để bên nhau là rất quan trọng.
Các bạn nên đảm bảo rằng, có ít nhất một lần trong ngày các thành viên gia đình quây quần bên nhau để nói về hoạt động trong ngày của mỗi người và những hoạt động mọi người sẽ làm trong ngày hôm sau. Hãy thư giãn và vui chơi trong quãng thời gian này.
Sự rối loạn
Sự rối loạn luôn khiến các thành viên trong gia đình căng thẳng. Để khắc phục điều này, bạn nên làm một kế hoạch công việc cụ thể và đánh dấu phần công việc của mỗi người.
Kế hoạch công việc này bao gồm cả những chuyện nhỏ như rửa bắt, giặt giũ, đổ rác,…Kế hoạch này nhằm đảm bảo tất cả các thành viên đều có công việc của mình và không ai phải làm quá nhiều việc, trong khi những người khác không làm gì.
Xem tivi trong lúc ăn
Các chuyên gia không khuyến khích các gia đình vừa xem phim vừa ăn. Hầu hết các gia đình chỉ đầy đủ mọi người trong bữa ăn, vì vậy mà nó là quãng thời gian quý giá để mọi người trò chuyện và trao đổi với nhau. Việc xem tivi trong bữa ăn sẽ làm hạn chế giao tiếp và trao đổi thông tin giữa các thành viên trong gia đình. Ngay cả khi trên bàn ăn chỉ có 2 người thì cũng không nên xem tivi vào lúc này.
Không sum họp vào những dịp đặc biệt
Hãy biến sinh nhật và những ngày kỷ niệm thành sự kiện chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Bạn có thể tổ chức những hoạt động chung để tất cả mọi người cùng tham gia, ví dụ như một bữa tiệc với sự góp sức của tất cả các thành viên, một trận bóng có sự tham gia của mọi người trong gia đình…
La hét
La hét không giải quyết được vấn đề và cũng chẳng thể nâng tầm ảnh hưởng của ai đó. Vì vậy, hãy để trẻ học được cách chiến thắng bất cứ “cuộc chiến” nào bằng sự bình tĩnh. Không cho phép các thành viên trong gia đình la hét và nói bậy trong bất cứ tình huống nào. Với cách đó, các bạn có thể loại bỏ thói quen la hét khỏi ngôi nhà của mình.