Nghiên cứu trên 15.000 công dân Đức năm 2000-2006 công bố trên tạp chí Journal of Socio Economics đã tìm ra những dữ liệu cho phép dự báo chính xác khi nào thì tình cảm vợ chồng thăng hoa và lúc nào thì lạnh nhạt.
Nhìn chung hôn nhân sẽ được lợi nhờ hiệu ứng mạnh mẽ của thời kỳ trăng mật nếu thời kỳ đó kéo dài được một năm. Chỉ có những người chắc chắn sẽ ly hôn mới cảm thấy mức độ hạnh phúc suy giảm ngay trong năm đầu kết hôn.
Hết năm đầu tiên đó, ngay cả những cặp sẽ “đầu gối tay ấp” lâu cũng cảm thấy mức độ hạnh phúc giảm mạnh trong 2 năm và chỉ cải thiện chút xíu trong quãng thời gian giữa năm kết hôn thứ 3 và thứ 5, trước khi tình cảm lại sa sút.
Năm kết hôn thứ 7 vốn được coi là thời kỳ gay cấn nhất khi phần lớn các cặp vợ chồng thất vọng về nhau trong khi lẽ ra họ phải điềm tĩnh chấp nhận. Thời điểm này là bước mở đầu cho tình trạng hai người ngày càng không thoả mãn về nhau.
Sau 10 năm chung sống, mức độ hạnh phúc lại thấp hơn một chút.
Song nhìn chung, hôn nhân vẫn làm cho con người hạnh phúc hơn. Mức độ hạnh phúc của cặp vợ chồng đã chung sống đến năm thứ 40 cao hơn so với chính họ ở thời kỳ đó nếu sống độc thân. Chỉ sau 60 năm chung sống thì mức độ cảm nhận hạnh phúc của những người có gia đình mới đạt đến như người cô đơn lẻ bóng.
Các nhà khoa học cho rằng sau năm đầu kết hôn hạnh phúc, cảm giác bắt đầu đi xuống vì mọi người cảm nhận tất cả những niềm sung sướng do hôn nhân mang lại như một điều tất yếu.
Những chuyên gia khác cho rằng tình trạng đó nảy sinh có thể do sức ép và khó khăn về tài chính từ việc sinh con hay do những thói quen của người này bắt đầu gây khó chịu cho người kia.
Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm kết hôn, ham muốn tình dục của phụ nữ sa sút gây bối rối cho người vợ, dẫn đến luống cuống bất lực ở người chồng.
Trong quá trình nghiên cứu các nhà khoa học cũng xác định được rằng vợ chồng có cùng trình độ học thức thì hạnh phúc hơn so với những người có trình độ tay nghề và học vấn chênh lệch.
Hoài Thu
Theo Inopressa.ru